639 biến thể của mã độc Kavo có xuất xứ từ Trung Quốc đã xuất hiện trong tháng 6/2008. Ngoài việc ngăn sử dụng chương trình chat, virus này còn chiếm quyền điều khiển hệ thống và không cho hiển thị file có thuộc tính ẩn.
Tháng qua, Việt Nam cũng đón nhận 2.675 dòng virus máy tính mới, trong đó có 5 virus "nội". Phiên bản lây lan mạnh nhất là SecretW.Worm với hơn 101.000 máy tính bị ảnh hưởng. 59 website của các cơ quan lớn ở Việt Nam bị tấn công, trong đó có 24 trường hợp do hacker nước ngoài gây ra. BKIS cũng phát hiện lỗ hổng website nghiêm trọng của 30 cơ quan thuộc ngành viễn thông, ngân hàng, chứng khoán …
Tuy không còn có mặt trong số 5 virus lây nhiều nhất trong tháng, dòng Dashfer (chèn banner có xuất xứ từ Trung Quốc) vẫn là mối nguy hiểm hàng đầu với người sử dụng máy tính tại Việt Nam. Từ một server bị nhiễm, Dashfer gửi gói tin theo giao thức ARP (giao thức phân giải địa chỉ) tới tất cả các máy chủ khác trong vùng để mạo danh là gateway của hệ thống. Bằng cách đó, nó có thể chèn iframe vào tất cả các trang web trước khi chúng được trả về cho người sử dụng. Hiện tượng này ảnh hưởng tới hầu hết các công ty hosting lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, một số website "hack game" gần đây đã xuất hiện nhưng thực chất chỉ là một hình thức phishing nhằm chiếm đoạt tiền của người chơi game.
Kẻ lừa đảo dựng website quảng cáo về khả năng hack được các game online phổ biến như Võ lâm truyền kỳ (VinaGame), Thiên Long Bát Bộ (FPT Online), Audition (VTC Games)... Game thủ cần mua thẻ chơi game và nạp vào website để nhận được lượng tiền ảo lớn hơn nhiều lần so với thông thường. Tuy nhiên, sau khi người chơi nạp tiền, thông tin về thẻ của họ sẽ được gửi thẳng về địa chỉ e-mail của kẻ lừa đảo.
Những website này có giao diện "nhái" theo site nạp thẻ của game online với logo, hình ảnh của các nhà cung cấp dịch vụ... Vì vậy, nếu không để ý, nạn nhân có thể lầm tưởng đây là website chính thống. Ngoài ra, mức "lãi" lớn đã đánh trúng tâm lý ham lợi của nạn nhân.