Có thể nuôi cá trên sông Tô Lịch

16:52, 17/07/2008

Một nhóm nhà khoa học vừa thử nghiệm thành công một hoạt chất có khả năng xử lý mùi hôi thối và các chất kim loại nặng tại các hồ tù đọng, mở ra triển vọng lớn về xử lý nước ở sông Tô Lịch, Hà Nội.

Trả lời phóng viên vào chiều 17/7, TS Nguyễn Phú Tuân, trưởng nhóm nghiên cứu hoạt chất dùng để xử lý ô nhiễm nước hồ (hoạt chất LTH - 100) cho biết: Ngày 16/7, kết quả xử lý ô nhiễm nước lần đầu tiên bằng công nghệ hoàn toàn của Việt Nam đã được công bố. Công việc xử lý ô nhiễm nước hồ trong và hồ ngoài ở khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội (trong đó có hồ Văn) có kết quả rất khả quan.

Sau khi phun khoảng 1 tiếng, nước hồ đã có biến đổi và giảm hàm lượng kim loại nặng. Sau 7 đến 20 ngày, nước giảm mùi hôi thối. Và đến ngày 17/7 (sau hơn 20 ngày xử lý), nước hồ đã hoàn toàn trong trở lại, không còn tảo, giảm hàm lượng kim loại nặng, không còn mùi hôi thối, kể cả lớp bùn phía dưới đáy hồ cũng không còn mùi như trước đây. Nước qua xử lý đạt tiêu chuẩn loại B hoàn toàn có thể dùng trong sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

Nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành thuê các đơn vị khoa học làm xét nghiệm độc lập và thông tin ban đầu cho thấy, kết quả không khác nhiều so với thử nghiệm. Ngoài ra, hoạt chất LTH - 100 có thể dùng được ở quy mô hộ gia đình cũng như công nghiệp, bãi rác, nước sông...

Theo ông Tuân, LTH - 100 có giá thành rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu và không ảnh hưởng đến vi sinh vật, đặc biệt rất thích hợp với Việt Nam. Không những thế, kết quả giám định của Viện công nghệ môi trường cho thấy: LTH - 100 dùng ở nồng độ 0,005% còn kích thích vi sinh vật phát triển. Nhóm nghiên cứu cũng đã thả trên 100 con cá chép, cá trê cách đây hơn 10 ngày để kiểm tra độ an toàn của nước hồ và đến nay không có dấu hiệu cá bị chết.

Đây là công nghệ hoá thân thiện môi trường do nhóm các nhà khoa học trẻ thuộc Vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao Hoà Lạc nghiên cứu và thực hiện. Thời gian tới nhóm này sẽ tiếp tục hợp tác với Sở TN&MT để xử lý ô nhiễm nước sông Tô Lịch.

Dự kiến có thể đoạn sông từ đầu đường Bưởi sẽ là nơi được xử lý đầu tiên. Ông Tuân cho rằng, nếu được triển khai xử lý toàn bộ sông Tô Lịch, nhóm có thể cung cấp đủ số lượng hoá chất.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Võ Kim Long, nguyên Viện trưởng Viện Kĩ thuật nước & Công nghệ Môi trường, hy vọng kết quả dự án sẽ khả quan nhưng đây chỉ mới là phương pháp xử lý nước hữu cơ. Còn dùng nó để xử lý nước thải công nghiệp liệu có được không và cần có một thời gian dài để kiểm định.

“Về công nghệ xử lý, tôi nghĩ như thế khá ổn, tuy nhiên nếu sử dụng đại trà thì cần phải xem có điều kiện để sản xuất hàng loạt trong nước hay không?” - ông Long nói.