Không nên quan sát nhật thực bằng mắt thường

16:38, 30/07/2008

Chọn nơi có độ cao đủ lớn để không bị che khuất đường chân trời và nên hạn chế nhìn trực tiếp bằng mắt thường để quan sát được tốt hiện tượng nhật thực mà không gây hại cho mắt.

PGS. TS Nguyễn Đình Huân, Chủ tịch Hội Thiên Văn – Vũ trụ Việt Nam đã đưa ra lời khuyên khi trao đổi với VTC News về hiện tượng nhật thực sẽ xảy ra chiều tối mai, 1/8.

- Xin ông cho biết chi tiết về hiện tượng nhật thực sẽ diễn ra vào chiều mai?

- Có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cao Bằng là khu vực có thể quan sát được tốt nhất, 73,2%, bắt đầu lúc 17h45’25” và kết thúc vào 18h36’01”.

Tại Hà Nội quan sát được 67,3% nhật thực, bắt đầu lúc 17h48’10” và kết thúc vào 18h35’01”. Đạt cực đại vào lúc 18h35’01”.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh quan sát được 10,7%, bắt đầu từ 18h04’32” và kết thúc vào 18h17’01”.

Do xảy ra vào lúc xế chiều nên hiện tượng nhật thực lần này sẽ khó quan sát, vì Mặt Trời đã nằm sát đường chân trời.

- Làm thế nào để quan sát được tốt nhất hiện tượng này, thưa ông?

- Để quan sát tốt nhật thực một phần vào chiều tối mai, người quan sát cần chọn được vị trí quan sát có độ cao đủ lớn, không bị che khuất đường chân trời. Ngoài ra, yếu tố thời tiết cũng có tác động không nhỏ đến hiệu quả quan sát. Tốt nhất là khi trời quang, không có mây.

- Có những cách nào để có thể quan sát được tốt hiện tượng này mà không gây hại cho mắt, thưa ông?

- Tuy mặt trời bị che khuất nhưng nếu nhìn thẳng vào mặt trời thì thị giác sẽ bị tác động xấu. Bởi lúc này, ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào mắt. Năng lượng với bước sóng nhỏ hơn 300nm truyền tới sẽ làm ảnh hưởng tới tế bào vùng đáy mắt và gây ra giảm thị lực của mắt. Vì vậy, không nên quan sát nhật thực bằng mắt thường.

Tốt nhất, để đảm bảo an toàn cho mắt, người quan sát nên sử dụng kính (mặt nạ) của người thợ hàn.

Cũng có thể sử dụng tấm film chụp X-Quang thay cho kính của thợ hàn để quan sát nhật thực, tuy vậy, cũng không nên nhìn lâu.

Trên thế giới có loại kính chuyên dụng để quan sát mặt trời nhưng hiện chưa phổ biến ở Việt Nam.

Ngoài ra, có thể để một tấm gương nhỏ xuống đáy chậu nước rồi hứng hình ảnh nhật thực và quan sát qua gương. Nhưng cách này khó thực hiện vì khi xảy ra nhật thực lần này, Mặt Trời đã nằm trên đường chân trời, song song với mặt đất. Người quan sát rất khó hứng được hình ảnh nhật thực theo cách này.

- Hiện tượng này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe con người và sự phát triển của cây trồng, vật nuôi không, thưa ông?

- Hoạt động của mặt trời thì có ảnh hưởng tới khí hậu, thời tiết, bệnh tật…và các hiện tượng địa – vật lý khác, nhưng nó có chu kì rất dài, 22 năm.

Tuy vậy, hiện tượng nhật thực hoàn toàn là hiện tượng thiên nhiên hết sức bình thường và hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến sự sống trên trái đất.

Hầu như năm nào cũng xảy ra nhật thực, nhưng việc quan sát được còn tùy thuộc vào từng vùng địa lý trên thế giới. Ở VN đã xảy ra hiện tượng nhật thực toàn phần vào năm 1995 và điểm quan sát tốt nhất là ở Phan Thiết.

Xin cảm ơn ông!