Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất: Những kết quả bước đầu

08:22, 28/07/2008

Chế phẩm sinh học hữu hiệu (EM), các loại giống nấm thực phẩm, dược liệu đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh sản xuất ngay tại Thái Nguyên với chất lượng đảm bảo, an toàn.

Chế phẩm đang được nhiều khách hàng trong, ngoài tỉnh sử dụng thường xuyên. Bước tiếp theo đơn vị này sẽ ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất mô tế bào phục vụ cho sản xuất giống cây trồng, bảo vệ các loại gen quý...

Qua một số dự án thực hiện tại Thái Nguyên đạt hiệu quả, Trung tâm Phát triển Công nghệ Việt- Nhật đã đánh giá cao tinh thần hợp tác cũng như thái độ cầu thị của cán bộ công tác tại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Thái Nguyên (Sở Khoa học và Công nghệ). Từ đó, đơn vị này đã quyết định hỗ trợ và chuyển giao kỹ thuật, uỷ quyền cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Thái nguyên sản xuất chế phẩm sinh học hữu hiệu EM phục sản xuất nông nghiệp, xử lý ô nhiễm mỗi trường. Sau nhiều năm “cận sư học đạo”, 8 cán bộ, kỹ thuật viên của Trung tâm đã sản xuất thành công chế phẩm EM và chế phẩm này được ứng dụng hiệu quả trong việc sản xuất chè an toàn tại xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) và sản xuất rau sạch, chè an toàn tại một số xã của huyện Đồng Hỷ.

Chế phẩm EM còn giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nóng bỏng tại một số trang trại chăn nuôi của T.P Thái Nguyên, T.X Sông công. Đặc biệt, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Thái Nguyễn đã ký hợp đồng kinh tế với tỉnh Lạng Sơn để sử dụng chế phẩm EM xử lý ô nhiễm môi trường tại bãi rác Tân Lang và được phía bạn đánh giá rất cao. Sau khi thành công trong ứng dụng EM phục vụ sản xuất nông nghiệp, xử lý ô nhiễm môi trường các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và tại Lạng Sơn, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Thái Nguyên tiếp tục được 2 tỉnh Yên Bái và Quảng Bình đề nghị chuyển giao công nghệ sản xuất chế phẩm EM và sử dụng chế phẩm này xử lý ô nhiễm môi trường cho 2 địa phương này.

Cùng với việc sản xuất thành công chế phẩm sinh học hữu hiệu, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Thái Nguyên đã sản xuất thành công các loại giống nấm thực phẩm, dược liệu như: Mỡ, sò, mộc nhĩ, linh chi... với giá rẻ, chất lượng tốt (trước đây các loại giống nấm này phải nhập từ Viện Di truyền Trung ương với giá cao). Không chỉ sản xuất giống nấm tại Xưởng sinh học, Trung tâm còn phối hợp với chính quyền các huyện Đại Từ, Đồng Hỷ và T.P Thái Nguyên để phát triển nghề nấm trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, đã có 3 HTX chuyên sản xuất nấm thực phẩm, dược liệu ra đời và vài trăm hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã sử dụng giống nấm của Trung tâm để sản xuất thành nấm hàng hoá.

Ông Nguyễn Văn Hạnh, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên cho biết: Được sự giúp đỡ của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh, gia đình tôi đã sản xuất thử nghiệm một số loại nấm thực phẩm và thấy hiệu quả rất cao. Sau hơn một năm sản xuất nấm dưới mô hình khảo nghiệm tôi đã quyết định mở rộng nhà xưởng để trồng nấm hàng hoá và đang chuẩn bị thành lập một HTX chuyên sản xuất nấm tại Túc Duyên.

Theo đồng chí Trần Mạnh Hải, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh thì sau 2 loại sản phẩm trên đơn vị sẽ tiếp tục liên kết với các cơ quan chuyên môn của Trung ương để sản xuất mô tế bào phục vụ cho sản xuất giống cây trồng và bảo tồn các loại gen quý. Nhưng để làm được điều này đơn vị cần tạo điều kiện cho 8 cán bộ, kỹ thuật viên của Xưởng sinh học được học tập nâng cao kiến thức, trang bị thêm thiết bị chuyên môn, phối hợp với Đại học Thái Nguyên nhằm khai thác tốt nguồn trí tuệ trong công tác nghiên cứu khoa học. Đồng thời, đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm hơn nữa đến vấn đề này để chỉ đạo các ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển công nghệ sinh học của Thái Nguyên có tính định hướng và toàn diện theo Chị thị số 50 ngày 4-3-2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước.

Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nấm và chế phẩm EM của Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh vẫn còn khiêm tốn, mới chỉ là kết quả khởi đầu. Song đây là những bước đi đầu tiên đánh dấu việc ứng dụng những sản phẩm cộng nghệ sinh học do một đơn vị trong tỉnh trực tiếp sản xuất để góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội trên địa bàn phát triển.