Cắt amidan có thể dẫn đến biến chứng

07:55, 19/08/2008

Không chuẩn bị tốt tâm lý cho bệnh nhân, kỹ thuật mổ không tốt, lượng thuốc gây mê không thích hợp, chăm sóc hậu phẫu không kỹ, trong vòng 5 phút, cắt amidan có thể dẫn đến tai biến.

Ngày 18/8, tại phòng chăm sóc đặc biệt Khoa Hồi sức cấp cứu - BV Chợ Rẫy, bệnh nhân Trần D. Q. (20 tuổi, Bình Dương) vẫn đang trong tình trạng nghiêm trọng, hôn mê, sau khi được cắt amidan tại một bệnh viện khác.

 

Theo TS. BS Trần Minh Trường, - Phó Giám đốc BV Chợ Rẫy, chuyên khoa Tai Mũi Họng, amidan là một bộ phận quan trọng nằm ngay giao lộ giữa đường ăn và đường thở. Do đó, không chuẩn bị tốt tâm lý cho bệnh nhân, kỹ thuật mổ không tốt, lượng thuốc mê không thích hợp, chăm sóc hậu phẫu không kỹ, là các yếu tố có thể dẫn đến những tai biến trong vòng 5 phút khi bệnh nhân cắt amidan.

 

Cắt amidan: Chỉ định nghiêm ngặt

 

"Cắt amidan là một chỉ định chuyên khoa rất nghiêm ngặt. Chỉ có 3 nhóm bệnh lý được chỉ định cắt là: viêm nhiễm, quá phát gây bít tắc hô hấp trên và nghi ngờ phát triển u ác tính," BS. Trường nói.

 

Đối với những bệnh nhân có bệnh về máu (cơ địa chảy máu, hoặc tình trạng thiếu máu), bệnh nội khoa (toàn thân) chưa kiểm soát được hoặc có nguy cơ cao khi gây mê hoặc đang có những nhiễm khuẩn cấp tính, cắt amidan là không thể thực hiện.

 

Các bác sĩ tai mũi họng rất hạn chế chỉ định cắt amidan cho trẻ dưới 4 tuổi và người lớn ở tuổi từ 60 tuổi trở lên. Với bệnh nhân tuổi này, qua tổng kết thống kê, biến chứng và rủi ro khi phẫu thuật cắt amidan cao hơn nhiều so với người ở các độ tuổi khác. Trẻ nhỏ cần điều trị nội khoa và theo dõi, chờ đến 7 tuổi mới tiến hành cắt amidan, như thế có lợi cho khả năng miễn dịch và thích nghi của trẻ sau này.

 

Thậm chí cắt amidan cũng khá nghiêm ngặt trong điều kiện khí hậu. Ở nước ta, miền Bắc nên hạn chế cắt lúc chuyển mùa từ nắng ấm sang gió lạnh, vì ở thời điểm này, cơ thể chưa kịp thích nghi dễ bị viêm hô hấp cấp. Còn phía Nam, cần cẩn trọng ở thời điểm bùng phát dịch sốt xuất huyết, thường là lúc chuyển sang mùa mưa.

 

Đối với bệnh nhân làm nghề nặng nhọc (bốc vác, lái xe đường dài...) cần chọn thời điểm công việc không cấp bách để có thể sắp xếp thời gian nghỉ ngơi. Vết mổ cắt amidan thật sự lành hoàn toàn phải mất ít nhất 3 tuần. Ở tuần lễ thứ 2, nguy cơ chảy máu vẫn có thể xảy ra.

 

Các bậc cha mẹ đừng vì thương con mà cho trẻ uống một ly sữa trước khi mổ. Việc nhịn ăn uống 6 giờ trước khi cắt amidan rất quan trọng, để cho dạ dày hoàn toàn trống lúc mổ. Vì đụng chạm vào vùng họng amidan dễ gây nôn ói, sặc thức ăn, đồ uống còn đọng trong dạ dày vào thanh quản, gây ngưng thở, dẫn đến tử vong ngay lúc đang mổ.

 

Biến chứng khi cắt amidan

 

Mặc dù có nhiều phương tiện kỹ thuật mới và những tiến bộ trong gây mê hồi sức, cắt amidan dù là một phẫu thuật nhỏ, nhưng biến chứng có thể dẫn đến chết người.

 

Theo tài liệu của PGS. TS. Nguyễn Hữu Khôi - Chủ nhiệm Bộ môn Tai Mũi Họng, ĐH Y Dược TP.HCM, tỷ lệ tử vong do cắt amidan tuy có khác nhau theo các nghiên cứu, nhưng ở trong khoảng 1:10.000 đến 1: 40.000.

 

Một nghiên cứu tiến hành tại Mỹ vào năm 1970 tổng kết trên hơn 6.175.000 ca phẫu thuật, ghi nhận 377 ca tử vong. Ba nguyên nhân tử vong chính được xác định là: chảy máu, các phản ứng với thuốc gây tê và thuốc gây mê, và ngưng tim. 2.000 trường hợp phải thắt động mạch cảnh, 538 bệnh nhân phải truyền trên 5 đơn vị máu.

 

Ngoài ra, các biến chứng khác do cắt amidan chiếm khoảng 14% cho tất cả các trường hợp cắt amidan. Các biến chứng thường gặp nhất là chảy máu ở nhiều cấp độ khác nhau, biến chứng do phù nề và tắc nghẽn hô hấp, đau, nhiễm khuẩn, thay đổi giọng nói...

 

Theo các chuyên gia tai mũi họng, vùng hầu họng là nơi có rất nhiều mạch máu. Chảy máu nhiều trong khi mổ cắt amidan thường xảy ra khi amidan xơ dính khó bóc tách. Chảy máu ồ ạt trong khi mổ có thể xảy ra do đứt mạch máu lớn, có thể do dị dạng đường đi hoặc do kỹ thuật mổ.

 

Một trong những biến chứng nghiêm trọng xảy ra khi cắt amidan là liên quan đến gây mê và gây tê. Gây mê có thể đưa đến tử vong do rối loạn hô hấp hoặc ngưng tim. Ngưng tim phổi có thể xảy ra do ngủ quá sâu hoặc thông khí không đủ. Đặt nội khí quản có thể dẫn đến những rủi ro cho thanh quản: chấn thương, co thắt, phù nề