Áp dụng công nghệ mới trong sửa chữa, đóng mới tàu biển, thiết bị dầu khí, hóa chất bằng hệ thống nước siêu cao áp cho phép giảm 95% lượng chất thải rắn vào môi trường so với công nghệ bắn hạt mài (xỉ, đồng/Nix hoặc cát) gây ra.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới & Bảo vệ Môi trường cho biết, hiện trạng ô nhiễm môi trường trong công nghiệp đóng tàu Việt Nam đang ở mức báo động. Đặc biệt, việc dùng công nghệ bắn hạt mài để làm sạch bề mặt thép trước khi sơn trong công nghiệp tàu biển, thiết bị dàn khoan dầu khí, điện lực đang phải đối mặt với bài toán môi trường. Sơn cũ và rỉ sét khi bắn ra sẽ trộn với hạt mài bay vào không khí, sau đó rơi xuống đất tạo ra các chất ô nhiễm nghiêm trọng với môi trường.
Để giải quyết vấn đề này, người ta đã áp dụng công nghệ làm sạch bề mặt bằng hệ thống nước siêu cao áp (UHP) kết hợp với một loại sơn Expoxy amin biến tính composite (ES301) để làm sạch bề mặt thép và sơn cho các ngành công nghiệp tàu biển. Hệ thống máy phun nước siêu cao áp gồm 1 động cơ diesel hoặc động cơ điện truyền động cho 1 máy bơm nước cao áp, 1 đường ống cấp nước đầu vào và 1 hệ thống cao áp đầu ra và súng phun. Với hệ thống này, áp lực từ các tia nước phun ra khỏi súng có thể lên tới 2500 bar, với dải áp lực này toàn bộ lớp vật liệu bám trên bề mặt kim loại sẽ được tẩy sạch và đưa chúng về trạng thái nguyên thủy.
Sơn Expoxy amin biến tính composite không mùi, không độc nên không ảnh hưởng tới người sử dụng. Hơn nữa, do quá trình làm sạch bằng nước nên không tạo ra chất thải rắn, không gây bụi nên không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Gần 200 đại biểu, đại diện cho Sở Tài nguyên & Môi trường, Chi cục bảo vệ môi trường, các tổng công ty, công ty đóng và sửa chữa tàu biển, các xí nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã đến tham dự hội thảo.