Ngày 17/8, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, chưa nhận được kết luận chính thức, dựa trên nghiên cứu khoa học nghiêm túc về việc đội mũ bảo hiểm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển xương trẻ nhỏ!
Về ý kiến cá nhân trên mặt báo của một vài bác sĩ rằng "trẻ dưới 3 tuổi xương cổ mềm, đội mũ bảo hiểm sẽ rất nguy hiểm", Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á Greig Craft, cũng lên tiếng bác bỏ. Ông khẳng định những lời đồn thất thiệt kể trên là sai trái và vô trách nhiệm; không có bất cứ bằng chứng nào cho lập luận đó!
Theo Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á/Safe Kids Worldwide, nguy cơ chấn thương cổ hoặc cổ họng do quai mũ bảo hiểm gây ra rất nhỏ so với những lợi ích mũ bảo hiểm mang lại. Hiện không có một dữ liệu chính thức nào kết luận rằng phần cổ của trẻ em sẽ bị tổn thương nếu trẻ đội mũ bảo hiểm được thiết kế đúng qui chuẩn và được cấp giấy chứng nhận chất lượng. Các loại mũ bảo hiểm trẻ em đạt tiêu chuẩn TCVN 6979 đều nhẹ và có tác dụng thiết yếu bảo vệ cho não trẻ.
Căn cứ thực tế hiệu quả bảo vệ mà mũ bảo hiểm trẻ em mang lại, Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á/Safe Kids Worldwide khuyến cáo tất cả trẻ em trên 6 tháng tuổi cần được đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy. Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi, người lớn không bao giờ được chở trẻ bằng xe gắn máy. Không có bất cứ ngoại lệ nào.
Mũ bảo hiểm cho ngưới lớn; trẻ nhỏ... không cần?
Ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, chưa có tổng kết chính xác tại thời điểm này về tỉ lệ trẻ em ngồi trên xe máy không đội mũ bảo hiểm, tuy nhiên theo quan sát tại các đô thị lớn có thể thấy con số này vẫn rất nhiều...
Như ghi nhận của phóng viên VietNamNet vào sáng cùng ngày tại sân vận động Quần Ngựa (địa điểm diễn ra hoạt động "An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai" nhằm hướng dẫn các em nhỏ đội mũ bảo hiểm đúng cách và... khuyến khích các em "đấu tranh đòi quyền lợi" đội mũ bảo hiểm nếu bố mẹ quên), rất nhiều phụ huynh đưa con em đến đây bằng xe máy nhưng không hề đội mũ bảo hiểm cho các em.
Về việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ tại Việt Nam, Phó Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: "Nghị quyết 32 của Chính phủ qui định TẤT CẢ những người đi mô-tô, xe gắn máy, ở bất kể độ tuổi nào, đều phải đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Có điều, các em từ 14-16 tuổi nếu không đội mũ sẽ chịu 50% mức phạt, còn trẻ em dưới 14 tuổi không áp dụng hình thức phạt tiền, nhưng vẫn phải đội mũ bảo hiểm".
Thế nhưng, nhiều người đã hiểu nhầm rằng trẻ em dưới 14 tuổi không bị phạt nếu không đội mũ bảo hiểm tức là không bắt buộc phải đội! Còn cảnh sát giao thông cũng không thể suốt ngày "tuýt" xe máy lại chỉ để nhắc nhở các em nhỏ đội mũ, rồi lại cho đi!
Thực tế là, kể cả với những người trưởng thành, thời gian qua nếu Chính phủ không có những "biện pháp mạnh" xử phạt, kiểm soát gắt gao thì cũng không thể đạt được con số khoảng 90% người tham gia giao thông tại đô thị đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy.
Tương tự vậy, đối với trẻ em - không phạt đồng nghĩa với việc "để ngỏ cửa" cho các bậc phụ huynh có thể đội mũ bảo hiểm cho các em hay không - tùy! Và thế là, kết quả như đã thấy: rất nhiều khuyến cáo (từ Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á/Safe Kids Worldwide, từ Ủy ban ATGT quốc gia, từ UNICEF, từ Tổ chức Y tế thế giới và cả lãnh đạo tôn giáo Nam Phi...) được đưa ra thời gian qua, song vẫn không phải trẻ em nào khi lên xe cũng được trang bị mũ bảo hiểm.
Tại chương trình Vui học an toàn giao thông sáng 17/8, hàng trăm trẻ em và đi cùng là các bậc phụ huynh đã được phát sách ghi 12 bài học căn bản cho trẻ em tham gia giao thông, trong đó phân tích tác dụng của mũ bảo hiểm và tầm quan trọng của việc đội mũ đúng cách. Rất nhiều người cùng chung quan điểm đã đến lúc cần xiết chặt hơn nữa việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm ở trẻ nhỏ, kể cả xử phạt như đối với người lớn, và không nên coi đó là "chuyện riêng" (toàn quyền quyết định) của mỗi gia đình. Tai nạn khi xảy ra không chỉ chọn người trưởng thành!