Chính phủ vừa ban hành Thông tư liên tịch 05, theo đó, mỗi quận, huyện bố trí 1-2 "biên chế chuyên trách" khoa học-công nghệ (KH-CN). Cả nước sẽ có khoảng 1.000 cán bộ chuyên trách triển khai hoạt động KHCN ở quận, huyện.
Đưa KH-CN về huyện sẽ giúp giải quyết thực trạng KH-CN khó về tới cơ sở... Trong ảnh: Cánh đồng rau an toàn tại quận Long Biên (Ảnh: VNN)
Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân tại Hội nghị Triển khai thực hiện Thông tư 05 (Hà Nội, 7/8), đây là văn bản pháp luật hướng dẫn giải quyết thực trạng KH-CN khó về tới cơ sở; một số công trình KH nghiên cứu xong "xếp ngăn kéo" thời gian qua.
Thông tư 05 quy định, cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện có nhiệm vụ phát triển phong trào lao động sáng tạo, phổ biến, lựa chọn các tiến bộ KH-CN, các kết quả nghiên cứu KH và phát triển công nghệ, các sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất để áp dụng tại địa phương; tổ chức thực hiện các dịch vụ KH-CN trên địa bàn.
Cơ quan này đồng thời được thực thi quyền hạn mới: Quản lý hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; thanh kiểm tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về KH-CN trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
Giải thích lý do trao nhiều quyền mới cho cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện, Thứ trưởng Nguyễn Quân cho biết: "Nghiên cứu KH có thể thực hiện ở tầm vĩ mô nhưng việc ứng dụng thành tựu KH-CN lại rất cần thực hiện ở cấp cơ sở. Cán bộ chuyên trách KH-CN cấp quận, huyện, nhờ sự gần gũi về địa lý và thông hiểu địa bàn, sẽ dễ nắm bắt nhu cầu ứng dụng KH-CN của các DN, các cá nhân tổ chức làm KH-CN tại đây, trên cơ sở đó, hướng dẫn, hỗ trợ họ triển khai hiệu quả các hoạt động KHCN".
Cũng theo đánh giá của Thứ trưởng Nguyễn Quân, cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện là đơn vị quản lý "sát" nhất trên nhiều lĩnh vực, như an toàn bức xạ (với bệnh viện, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp có trang thiết bị liên quan nguồn phóng xạ), quản lý sở hữu trí tuệ (quy định về nhãn hiệu, hàng hóa trên địa bàn), quản lý đo lường chất lượng (phối hợp các ban ngành quy định chất lượng hàng hóa sản xuất và xuất khẩu trên địa bàn; phát hiện hàng giả, hàng nhái). Đồng thời, có khả năng tư vấn cụ thể nhất cho DN, cơ sở có hoạt động KH-CN khi họ gặp các vấn đề tranh chấp.
Để cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp quận, huyện thực hiện tốt nhiệm vụ, Thông tư 05 quy định 1-2 "biên chế chuyên trách" cho mỗi đơn vị. Với quy định này, cả nước sẽ có khoảng 1000 cán bộ chuyên trách KH-CN (thuộc Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công thương, UBND quận/huyện), chuyên thực hiện các nhiệm vụ triển khai hoạt động KH-CN ở cấp này, trong khi trước đây, đội ngũ này đều là cán bộ kiêm nhiệm; hiệu quả hoạt động vì vậy thấp.
Cùng với đó, lần đầu tiên cơ quan chuyên môn về KH-CN cấp huyện được quyền phân bổ ngân sách (trước đây quyền này thuộc cấp tỉnh), tuy trung bình chỉ khoảng vài trăm triệu/đơn vị/năm (như muối bỏ bể khi triển khai các hoạt động), nhưng cũng tạm giúp đầu tư để khuyến công, khuyến nông, khuyến khoa. Nhờ quyền trực tiếp sử dụng nguồn kinh phí cho triển khai nghiên cứu lẫn ứng dụng KH-CN, cán bộ chuyên trách KH-CN cùng cơ sở nghiên cứu có nhiều cơ hội liên kết để thực hiện nhiệm vụ KT-XH của địa phương.