Theo thống kê của Viện Mắt TW, 90% người mù Việt Nam chưa bao giờ biết đến máy tính. Không được tiếp xúc với phương tiện thông tin hiện đại đồng nghĩa với việc họ mất đi cơ hội hòa nhập cuộc sống.
Bên cạnh việc mất đi giác quan quý giá là đôi mắt, những người mù còn chịu thiệt thòi khi phương tiện tiếp cận thông tin của họ còn quá nghèo nàn. Báo cáo của Viện Mắt TW cũng cho biết trong số 600.000 người mù hiện nay, chỉ có 60% có được radio, 30% có phương tiện hiện đại hơn như TV, đầu đĩa hoặc ghi âm, cassette. Thiếu thông tin dẫn đến việc một lượng lớn người khiếm thị không kiếm được việc làm thích hợp.
Phong trào sáng tạo những sản phẩm cho người mù cũng đã nhen nhóm từ lâu trong cộng đồng tin học Việt Nam. Năm 1996, công ty Sitec phối hợp với nhóm sinh viên VCR (ĐH BK TPHCM) phát triển phần mềm hỗ trợ âm thanh Braille giúp người mù có thể dùng được máy tính.
Sau đó là phần mềm NDC để có thể soạn thảo tiếng Việt. Từ năm 2005 đến nay bình quân mỗi năm có khoảng 100-150 người khiếm thị được tiếp cận với CNTT. Hiện đã có 7 người khiếm thị được phong danh hiệu Hiệp sỹ CNTT.
Tuy nhiên, kết quả vẫn rất khiêm tốn, chưa đến được với số đông người khiếm thị. Các trung tâm, phòng đào tạo tin học cho người mù chỉ có mặt tại 12/64 tỉnh thành là có các trung tâm này. Chương trình đào tạo mới chỉ dừng ở trình độ phổ cập, chưa đạt tới mức chuyên sâu để người mù có khả năng tìm việc làm ngoài xã hội. Người mù dù có được đào tạo thì cũng không có điều kiện mua máy tính để sử dụng nên kết quả đào tạo nhiều khi trở nên lãng phí.
Trong bối cảnh đó, Hội Người mù Việt Nam đề nghị Bộ TT-TT có những chủ trương, chính sách, kế hoạch phối hợp với TW Hội Người mù VN tổ chức các phòng đào tạo tin học cho người mù ở các tỉnh, thành phố chưa có phong trào tin học cho người mù; đề nghị các hiệp hội phần mềm, các viện nghiên cứu CNTT đầu tư nghiên cứu các sản phẩm, dịch vụ CNTT có hỗ trợ âm thanh và tài trợ, giảm giá thành khi người mù mua sắm trang thiết bị tin học; miễn giảm chi phí lắp đặt và cước thuê bao khi người mù sử dụng internet…