Giáo sư Megh Mallavarapu thuộc nhóm nghiên cứu-phát triển "CRC Care" và Trường Đại học Nam Australia, vừa tìm ra một loại vi khuẩn sống trong đất có khả năng phá huỷ nhóm hoá chất BTEX, được coi là những tác nhân gây bệnh ung thư, phá hủy hệ thần kinh và gây ra một số căn bệnh nguy hiểm khác ở người.
Các trung tâm dịch vụ cũ, các kho chứa nhiên liệu, gara, công xưởng, các bể chứa khí đốt, các vụ tràn dầu, các cơ sở giặt khô và nhà máy thường sử dụng hoặc xử lý hiđrô cácbon hoặc chất nổ... chính là nguồn phát tán BTEX. Các hóa chất này có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đất, đôi khi xuất hiện trong không khí dưới dạng hơi. Đây là một trong những dạng ô nhiễm phổ biến và độc hại nhất.
Trước đây người ta đã nhận biết được sự tồn tại của vi khuẩn có sức đề kháng với BTEX ở một số nơi trên thế giới, nhưng loại vi khuẩn tìm thấy ở Australia là loại đầu tiên có khả năng "xơi tái" các chất thải độc hại. Giáo sư Mallavarapu cho rằng chỉ cần đưa loại vi khuẩn này vào nước bị nhiễm BTEX là chúng sẽ "dọn sạch hóa chất" ngay lập tức.
Ông và các cộng sự đang tiến hành các dự án thí điểm nhằm mở rộng phạm vi nghiên cứu. Theo ông, không có môi trường ô nhiễm nào giống nhau do đất, nước ngầm, nhiệt độ, tỷ lệ pha trộn các chất gây ô nhiễm khác nhau, do đó cần kiểm nghiệm xem loại vi khuẩn này hoạt động như thế nào trong các điều kiện khác nhau.