Động vật đầu tiên tồn tại trên vũ trụ

15:06, 15/09/2008

Chúng từng được biết là những động vật sống dai nhất trái đất và hiện nay, các nhà khoa học khám phá chúng thậm chí có thể tồn tại trong vũ trụ trong thời gian dài.

Loài động vật nhỏ bé này có tên là loài đi chậm (tardigrade hoặc water bear), với bề ngoài khá khác thường: chúng có 8 chân cùng những cặp càng nhỏ. Chúng không chết sau khi bị đun trong nước sôi, bị đông lạnh, bị tác động áp suất lớn và thậm chí bị sấy khô.

Một năm trước, 3.000 con tardigrade đã được sấy khô và gửi lên không gian để kiểm tra xem chúng có thể chịu được tia vũ trụ, áp suất gần chân không và khá lạnh lẽo hay không. Sau 10 ngày, một vài con đã hoạt động trở lại. Chúng trở thành động vật đầu tiên tồn tại trong không gian mà không có “quần áo” bảo vệ.

Thí nghiệm được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu thuộc ĐH Kristianstad (Thụy Điển) dưới sự hỗ trợ của Cơ quan không gian châu Âu. Trong thí nghiệm, những con vật này được cho vào trong một buồng nhỏ đặt trên tàu không gian FOTON-M3 có quỹ đạo cách trái đất 270 km. Sau đó buồng này được mở ra để chúng tiếp xúc với chân không và sự lạnh giá. Một vài con được chiếu tia cực tím của mặt trời với cường độ lớn gấp 1.000 lần so với trên trái đất. Điều "kỳ diệu" xảy ra khi chúng tồn tại cho đến khi quay trở về trái đất và tiếp tục sinh sôi nảy nở!

Các nhà khoa học cho rằng bức xạ cực tím trong không gian đã gây hại cho các con tardigrade mặc dù một vài cá thể có thể tồn tại. Họ tin rằng những con vật này bị hư hỏng DNA, một số ít có thể chỉnh sửa lại. Hiện họ đang cố gắng tìm hiểu sự hiệu chỉnh khác thường của loài vật này với điều kiện khắc nghiệt, từ đó "đối phó" với bệnh ung thư do hiện nay, trọng tâm của nghiên cứu y học là vấn đề chỉnh sửa hư hỏng gene.

Loài đi chậm tồn tại gần như trong tất cả hệ sinh thái trên thế giới. Chúng có thể tồn tại trong trạng thái mất gần hết nước trong cơ thể. Khi mất nước, chúng ở trạng thái ngủ, cơ thể teo lại và quá trình trao đổi chất liên tục xảy ra. Ở trạng thái ngủ như chết, nó vẫn quản lý để đảm bảo cấu trúc trong các tế bào của chúng sẵn sàng để “kích hoạt” trở lại.

Vào năm 1998, các nhà khoa học Nhật đã cho loài động vật này vào buồng có áp suất lớn hơn 6.000 lần áp suất khí quyển và chúng vẫn sống. Trong các cuộc thí nghiệm, chúng cũng tồn tại sau khi được chiếu tia X và được đông cứng ở nhiệt độ - 273,15 độ C, nhiệt độ âm lạnh nhất có thể tạo được.