Giáo sư Đặng Đức Phú thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo việc sử dụng nước giếng khoan ngày càng tăng ở Việt Nam có thể làm cho số người bị phơi nhiễm asen tăng lên.
Theo ông Phú, nước giếng khoan tuy không có vi khuẩn, nhưng về mặt hóa học thì không đảm bảo.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Lê Văn Cát, Trưởng phòng hóa môi trường thuộc Viện Hóa học Việt Nam cho biết, Việt nam có nhiều nơi bị nhiễm asen và là quốc gia thứ hai trên thế giới sau Bangladesh có lượng dân cư sống trong vùng có nồng độ asen cao.
Kết quả khảo sát các mẫu nước ngầm lấy ở khu vực thượng lưu sông Mã, Sơn La, Phú Thọ, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa cho thấy, nồng độ asen đều vượt tiêu chuẩn cho phép đối với nước sinh hoạt của quốc tế và Việt Nam. Trong đó, Hà Nam là nơi có nhiều nguồn nước bị nhiễm asen nhất. Hiện có khoảng 300.000 người trong tổng số gần 1 triệu người dân Hà Nam bị phơi nhiễm asen.
Theo nghiên cứu của cơ quan chức năng, sử dụng lâu nguồn nước bị nhiễm asen có thể mắc một số căn bệnh nan y như ung thư da, ung thư phổi, ung thư gan hoặc khuyết tật bẩm sinh. Những biểu hiện đầu tiên của người bị nhiễm asen là ngứa ngáy, mệt mỏi và sắc tố da bị thay đổi. Tuy nhiên ở Việt nam, những căn bệnh do nhiễm asen gây ra chưa nhiều, ông Cát khẳng định.
Trước tình hình này, từ năm những năm 90 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều công trình nghiên cứu, điều tra về nguồn gốc asen trong nước ngầm, mức độ ô nhiễm và lập bản đồ các khu vực nhiễm asen trên toàn quốc.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ, nhiều hộ dân đã chủ động triển khai các biện pháp loại bỏ asen trong nước, như lọc nước qua cát, phơi nắng. Việc làm này có thể loại bỏ được 70-80% lượng asen trong nước.
Tại buổi tọa đàm, Công ty TNHH Công nghệ HCTH đã giới thiệu sản phẩm bình lọc nước ArsenFree có khả năng loại bỏ độc tố asen rất hiệu quả mà vẫn giữ - được các khoáng chất có lợi cho sức khỏe, và bộ kiểm tra nhanh độc tố asen có thể cho kết quả trong 10 phút.