Lần đầu tiên thấy hành tinh lạ quanh ngôi sao giống Mặt trời

10:38, 16/09/2008

Các nhà khoa học vừa chụp được ảnh của một hành tinh bên ngoài Thái dương hệ, dường như đang quay quanh một ngôi sao giống Mặt trời của chúng ta. Đây là cặp đôi đầu tiên loại này được phát hiện.

Hầu hết các hành tinh ngoài Thái dương hệ tìm được tới nay đều đang bay quanh những ngôi sao lùn nâu, là những ngôi sao mờ tối, khiến cho người ta dễ dàng phát hiện ra các vật thể xung quanh nó.

Hành tinh mới rất lớn, với khối lượng gấp khoảng 8 lần Mộc tinh. Còn ngôi sao mẹ tương tự như Mặt trời, nhưng có vẻ trẻ hơn. Cặp đôi sao mẹ - hành tinh này nằm cách Trái đất khoảng 500 năm ánh sáng.

Nhóm nghiên cứu từ Đại học Toronto sử dụng kính thiên văn Gemini North ở Hawaii để chụp ảnh chúng. "Đây là lần đầu tiên chúng tôi trực tiếp nhìn thấy một vật thể ở kích cỡ hành tinh dường như đang bay trên quỹ đạo một ngôi sao giống Mặt trời của chúng ta", David Lafreniere, trưởng nhóm, cho biết.

"Nếu chúng tôi xác định được rằng vật thể này quả thực được ''trói'' vào ngôi sao bằng lực hấp dẫn, đó sẽ là một bước tiến lớn".

Hành tinh nói trên nằm ở khoảng cách khá xa sao mẹ: khoảng 330 lần độ dài giữa Trái đất và Mặt trời. Để so sánh, hành tinh xa nhất trong Thái dương hệ của chúng ta, Hải vương, chỉ nằm cách xa 30 lần độ dài Trái đất - Mặt trời.