Ngày 16/9, tại Nha Trang đã diễn ra Hội thảo quốc tế về khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano. Hội nghị nhằm nâng cao khả năng hợp tác về công nghệ vật liệu giữa các nước ASEAN và thúc đẩy nghiên cứu công nghệ nano ở Việt Nam.
Trao đổi bên lề hội thảo, Chủ tịch Hội nghị, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu cho biết, hiện nay nano đã trở thành một lĩnh vực KHCN liên ngành chứ không phải là vật lý nữa. Các nước ASEAN có điều kiện như Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia... cũng đã bắt đầu tìm cách giải quyết các vấn đề KT cấp bách bằng công nghệ nano.
Việt Nam cũng mới bắt đầu nghiên cứu công nghệ nano, tuy nhiên ứng dụng trong công nghệ hiện đại thì chưa có. Nước ta cũng chưa có một chương trình nào về công nghệ nano; các nhà khoa học VN chưa có kinh phí nghiên cứu để đưa lĩnh vực này của khoa học Việt Nam sánh vai các nước trong khu vực.
Theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, Hội thảo về khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ nano nhằm nâng cao việc nghiên cứu và ứng dựng khoa học vật liệu về công nghệ nano trong các nước ASEAN. Đồng thời, tăng cường nhận thức về công nghệ nano tại Việt Nam, tiến tới tìm giải pháp cho nhiều vấn đề, như phát triển những vật liệu có cấu trúc nano giúp xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả. Hay thuốc nano, giúp tăng hiệu suất sử dụng thuốc...
Ông cũng cho biết từ khi Việt Nam tham gia ASEAN đến nay trong lĩnh vực KHCN Vật liệu, ASEAN chưa bao giờ mở một hội nghị như thế này; đây có thể coi là hội nghị đầu tiên của ASEAN về công nghệ nano.
Bắt đầu từ hội thảo này, các cơ quan đồng tổ chức hội thảo (APCTP và Phân ban Khoa học và Công nghệ Vật liệu ASEAN) sẽ lần lượt tổ chức chuỗi các hội thảo 2 năm 1 lần tại các nước ASEAN. Song song đó mạng lưới các phòng thí nghiệm về khoa học công nghệ vật liệu tại các nước sẽ được hình thành. Hoạt động của mạng lưới các phòng thí nghiệm này được điều phối bởi Phân ban khoa học và Công nghệ Vật liệu ASEAN. Hội thảo được tổ chức nhằm nâng cao hơn nữa sự hợp tác giữa các phòng thí nghiệm này.
Hội thảo đã thu hút gần 200 các nhà khoa học Việt Nam và trên 100 nhà khoa học quốc tế đến từ 24 quốc gia - vùng lãnh thổ khác nhau, đặc biệt là có đại biểu của 9 trong 10 nước ASEAN tham dự hội thảo.
Đến dự hội thảo còn có đại diện nhiều tổ chức quốc tế , nhiều nhà khoa học đến từ Mỹ, Pháp, Đức, Thụy Điển, Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Bắc, Úc... Trong Ban Tư vấn quốc tế của Hội nghị, có 4 nhà khoa học được giải thưởng Nobel và nhiều nhà khoa học hàng đầu của các nước tiên tiến.