Đông đảo các nhà khoa học, các chuyên gia về xử lý đất nhiễm điôxin trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo "Công nghệ hóa cơ trong việc xử lý đất nhiễm điôxin và hợp chất khác", diễn ra ngày 2/10 tại Hà Nội.
Trên cơ sở phá vỡ các liên kết hóa học và phân hủy các phân tử hữu cơ thành các hạt điện tử ở cấp nhỏ hơn, công nghệ này có khả năng phân hủy cơ hóa tất cả các độc chất hữu cơ bền vững như điôxin, DDT và các hydrocarbon trong dầu mỏ trong đất.
Trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng 5 sân bay, gồm Ðà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát, Tân Sơn Nhất và Nha Trang, làm địa điểm xuất phát của các máy bay rải chất khai quang có chứa điôxin.
Theo khảo sát, có 3 điểm "nóng" về nhiễm điôxin là sân bay Ðà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát, trong đó sân bay Biên Hòa có khoảng 90.000m3 đất bị ô nhiễm điôxin, Ðà Nẵng có khoảng 85.000m3 đất và Phù Cát có 40.000m3 đất.
Cuộc điều tra, đánh giá tác động của chất điôxin tồn dư tại Biên Hòa do cơ quan chức năng tiến hành vào cuối năm 2006, cho thấy hệ thống tường bao quanh khu vực ô nhiễm điôxin ở sân bay đã bị phá vỡ; các bể chứa than hoạt tính để hấp phụ điôxin đã hết giá trị sử dụng. Do đó, điôxin từ các khu vực ô nhiễm vẫn có thể theo nước mưa chảy vào hồ ao lân cận sân bay. Một số hồ quanh khu vực này nồng độ điôxin cao gấp 7 lần so với nồng độ cho phép.
Hiện Bộ Quốc phòng đang tiến hành xử lý các khu đất bị ô nhiễm tại sân bay trên, với kinh phí khoảng 75 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của Chính phủ. Khoảng 60.000m3 đất bị nhiễm điôxin sẽ được chôn lấp bằng bê tông và bentonite, các vật liệu cách ly và hấp phụ điôxin. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009.