Sáng chế máy tách hạt ngô tự động

15:11, 19/10/2008

Chúng tôi tới thăm, chung vui với gia đình em Trịnh Văn Ðức ở thôn Tuần Lương, xã Hoằng Lương (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) khi em mới từ nước ngoài trở về. Em chính là tác giả của Máy tách hạt ngô tự động Đ1 vừa được giải trong cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ tư.

Trong cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ tư (2007 - 2008), do Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, Trịnh Văn Ðức đoạt giải đặc biệt với mô hình dự thi Máy tách hạt ngô tự động Ð1. Mới đây, Ðức cùng tác phẩm của mình vinh dự  tham gia Triển lãm quốc tế dành cho Nhà sáng chế trẻ lần thứ năm diễn ra tại Ðài Loan (Trung Quốc) và được Hàn Quốc trao giải đặc biệt.

 

Sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân, hiện theo học tại Trường THPT Hậu Lộc II  không chỉ yêu lao động, chăm học tập, Ðức luôn say mê tìm hiểu, giàu ý tưởng sáng tạo. Ðược thầy, cô giáo gợi mở, định hướng, nhất là mấy năm gần đây cuộc thi "Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng toàn quốc" trở thành sân chơi hấp dẫn, thu hút đông đảo thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tham gia, Ðức mày mò sáng chế các mô hình ứng dụng trong thực tiễn trong sản xuất, đời sống. Không ngờ "rô-bốt tình thương", mô hình "dòng điện từ biển khơi" và sáng chế "nước cũng đốt cháy" của em đều đoạt giải thưởng Hội thi sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc các năm trước.

 

Hằng ngày, sau giờ đến trường, Ðức tham gia lao động cùng người thân. Nhìn bàn tay chai sần của mẹ, mồ hôi ướt lưng áo cha, ý tưởng sáng chế máy tách hạt ngô nảy sinh trong tình cảm, lý trí của người con hiếu thảo. Ðức âm thầm nghiên cứu nguyên lý vận hành, vẽ sơ đồ, lắp mô hình khảo nghiệm, rồi tìm kiếm vật tư, dành khoản tiền ít ỏi của mình nhờ thợ cơ khí hàn, gắn kết linh kiện, lắp động cơ, cho ra đời máy tách hạt ngô. Nông dân trên địa bàn làm theo, lắp ráp máy tách hạt ngô theo nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau nhưng có chung nguyên lý, cấu tạo từ mô hình sáng chế của Ðức. Năng suất của máy gấp năm đến sáu lần tách hạt bằng tay nhưng vẫn phải có một người dùng tay kéo thanh ép, tay kia đưa bắp ngô vào bóc rất mất an toàn, lãng phí thời gian, hiệu quả lao động chưa cao.

 

Từ mô hình cũ, Ðức tiếp tục tính toán, thiết kế, chế tạo, khắc phục các yếu điểm, giảm thao tác thừa, lực cản nhằm đạt hiệu suất cao nhất. Máy tách hạt ngô tự động Ð1 có bộ phận điều chỉnh để lấy phần hạt lép ở đuôi bắp ngô, cho nên ưu điểm nổi trội là làm sạch hạt dính ở lõi, không có vảy, lẫn bụi bẩn, lõi ngô không bị vỡ, nát và máy tự động lấy bắp ngô từ giá đổ vào buồng tách hạt bảo đảm an toàn cho người vận hành. Thêm vào đó, người điều khiển có thể tăng số lần đưa bắp ngô vào máy, giảm thời gian vận hành không tải, đỡ hao phí điện năng. Ngoài ra, tấm chắn gắn lớp xốp ở mặt trong có tính năng giảm tốc độ, chặn hạt bắn tứ tung, giảm tiếng ồn, hướng hạt ngô dồn về một điểm rơi. Hơn thế, mô hình mới chống kẹt lõi vào quả lô, quy trình vận hành thông dụng, sử dụng nhiên liệu  thân thiện với môi trường, thuận tiện  trong bảo trì, bảo dưỡng.

 

Một số cán bộ Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật tỉnh Thanh Hóa cho biết, máy lắp động cơ có hiệu điện thế 220 V, công suất 1,5 kW/h, vòng quay là 1.400 vòng/phút. Trong điều kiện làm việc bình thường máy bóc hết lượng bắp ngô thu hoạch được hơn một sào ruộng chỉ trong vòng 20 phút, điện năng tiêu thụ hết 0,5 kWh, tương đương 300 đến 500 đồng  theo giá điện thương phẩm. Hiện tại, giá một chiếc máy dao động từ 2,5 đến ba triệu đồng, nhưng nếu sản xuất đại trà thì Máy tách hạt ngô tự động Ð1 có thể được bán ra thị trường hợp với túi tiền người nông dân.

 

Với Ðức, hạ giá thành sản phẩm không nằm ngoài tiền lệ và cũng là mối quan tâm của nhà sáng chế trẻ. Sau những phần thưởng đạt được, em tự nhủ phải cố gắng vươn lên hơn nữa trong học tập, rèn luyện để biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực, được ứng dụng sâu rộng trong sản xuất, đời sống.