Bỏ qua dấu hiệu huyết áp, tiểu đường, dễ bị đột quỵ

10:03, 05/11/2008

Bà Nguyễn Thị N. bị tăng huyết áp từ năm 1990 và đái tháo đường năm 1999 nhưng không quan tâm các triệu chứng thoáng qua như giảm thị lực, tê chân tay trái rồi tự khỏi. Chỉ sau 3 giờ thức dậy, bà yếu cả nửa thân trái.

Bà N. năm nay 59 tuổi; cả hai bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường, bà đều không điều trị liên tục.

Cách đây hai năm, bệnh nhân có triệu chứng giảm thị lực, nhưng không đi khám để được chẩn đoán chính xác. Và hơn một tháng trước khi nhập viện, bệnh nhân có triệu chứng tê tay chân trái, rồi tự khỏi trong vòng 1 ngày.

Theo các bác sĩ khoa Nội Thần kinh - BV Chợ Rẫy, bệnh nhân bị hội chứng liệt nửa người trái, do đột quỵ nhồi máu ở bán cầu não phải.

Nói về nguyên nhân đột quỵ của bà N, ThS. BS. Lê Nguyễn Nhựt Tín - Khoa Nội Thần kinh, BV Chợ Rẫy cho biết: "Bệnh nhân có biến cố mạch máu não nhiều lần, tổn thương nhiều nơi trên hệ thống mạch não, có nhiều yếu tố nguy cơ không được điều trị liên tục như cao huyết áp, đái tháo đường. Đặc biệt, bệnh nhân đã từng bị thiếu máu não thoáng qua, nhưng không được kiểm soát tốt".

Phòng đột quỵ bằng kiểm soát huyết áp

Tại một buổi sinh hoạt khoa học với chủ đề "chiến lược điều trị cho bệnh nhân đột quỵ và tổn thương nhiều loại động mạch" tổ chức hồi cuối tháng 10 qua tại TP.HCM, GS.TS Oscar Benavente (Trưởng khoa Thần kinh - ĐH Y khoa Texas, Mỹ) cảnh báo, cứ trong 100 ca tử vong, nguyên nhân do đột quỵ não chiếm 9 ca, đứng thứ hai sau các bệnh mạch vành.

Theo thống kê mới nhất của y văn thế giới năm 2007, năm 2005 toàn cầu có 16 triệu người đã từng bị cơn đột quỵ đầu tiên, tử vong do đột quỵ là 7 triệu người (chiếm 36%). Con số dự đoán này sẽ còn tăng lên rất nhiều vào những năm sau, đến 2030, 23 triệu người sẽ bị cơn đột quỵ não đầu tiên, trong đó, 7,8 triệu ca tử vong.

Ngoài ra, điều các chuyên gia nội thần kinh lo ngại là nguy cơ đột quỵ tăng khi huyết áp cao. 2/3 đột quỵ do nguyên nhân này, và phần lớn xảy ra ở nhóm đối tượng tuổi từ 45 - 69.

"Đột quỵ hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, bệnh tim mạch, hút thuốc lá, uống rượu, thừa cân béo phì. Nếu kiểm soát tốt việc tăng huyết áp, khoảng 360 ngàn ca đột quỵ có thể dự phòng được. Giảm cholesterol giúp phòng ngừa được 146 ngàn ca đột quỵ não. Không hút thuốc hay uống rượu có thể giúp hàng chục ngàn người giảm nguy cơ đột quỵ," GS. Oscar Benavette nói.

Một tỷ lệ lớn (40%) bệnh nhân bị xơ vữa động mạch thường bị tổn thương nhiều loại động mạch. Có nghĩa là, một bệnh nhân bị tổn thương mạch máu như ở não (gây đột quỵ não), có thể bị tổn thương hệ mạch máu thứ hai như ở mạch vành (gây nhồi máu cơ tim) hay ở động mạch chân (gây bệnh động mạch ngoại biên). Những bệnh nhân này thường có nguy cơ tử vong do nhồi máu cơ tim, đột quỵ não cao hơn những người khác đến 2 lần.

Do đó, trong buổi sinh hoạt này, các bác sĩ khẳng định, các loại thuốc phòng ngừa tái phát đột quỵ đang ngày càng được cải tiến. Trước đây, Aspirin là thuốc điều trị kinh điển nhất, để phòng ngừa các bệnh lý do huyết khối xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, Aspirin có khá nhiều tác dụng phụ như gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Nhưng hiện nay, nhiều loại thuốc mới không gây ra tác dụng phụ này.

Các bác sĩ cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát tốt huyết áp, tiểu đường sẽ giúp giảm nguy cơ đột quỵ.