11 biện pháp giúp nhà nông ứng phó với lũ

09:02, 09/12/2008

 - Ngày 9/12/2008 tại HN, tổ chức Hành động viện trợ (ActionAid) đã có một báo cáo tóm tắt về biến đổi khí hậu và các biện pháp thích ứng; tình huống nghiên cứu là tại tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó 11 biện pháp ứng phó với thiên tai đã được các chuyên gia chỉ ra.

Theo tổ chức ActionAid (một tổ chức quốc tế chống đói nghèo có mặt tại hơn 40 quốc gia), biến đổi khí hậu đang đe doạ trực tiếp đến VN, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của con người và cả nền kinh tế.

 

11 biện pháp được ActionAid chỉ ra gồm: Điều chỉnh hệ thống cây trồng; Điều chỉnh thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày; Áp dụng công nghệ, rút ngắn thời gian cây trồng ngoài đồng ruộng; Bố trí chăn nuôi lợn, gà làm sao cho thu hoạch trước ngày mưa lũ; Nuôi lợn, gia cầm trên các bè chuối và gác cao khi có lũ; Di cư trâu bò lên đồi; Làm gác trong nhà để chứa đồ, lương thực, thực phẩm cho người, thức ăn cho gia súc và nơi cư trú cho người trong lũ; Mỗi hộ có 1 thuyền để phục vụ di chuyển trong lũ; Di cư lên đồi phụ nữ, trẻ em, người già và dựng lều sống tạm; Dự trữ nước sạch để sử dụng trong đợt lũ; Bịt miệng giếng nước khi lũ về, để giữ nước sạch sử dụng sau lũ.

 

Theo dự báo, năm 2100, VN có thể bị mất ít nhất 12,2% diện tích đất, nơi cư trú của 23% dân số; nhiều khu vực sẽ bị ngập lụt trong nhiều tháng, thiệt hại kinh tế có thể lên 17 tỉ USD. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT thiên tai năm 2007 đã gây thiệt hại khoảng 1% GDP cả nước.

 

Riêng tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều hiện tượng thay đổi khí hậu bất thường đã được ghi nhận như bão lụt, nắng nóng, nước biển dâng cao. Các cơ quan chức năng và người dân xác nhận rằng thời tiết những năm qua diễn biến bất thường, phức tạp, không theo quy luật trước đây nên khó dự đoán.

 

Nhiệt độ thay đổi, mùa hè nóng hơn, các đợt nắng nóng cũng kéo dài với cường độ cao hơn, có khi lên tới 42 độ C. Nếu như trước đây, bão lụt thường xảy ra từ tháng 9 - 11 thì nay mùa bão đến sớm và kéo dài hơn, từ tháng 8 - 12. Lũ diễn ra với cường suất ngày càng cao, đỉnh lũ lớn và dòng chảy mạnh hơn. Mực nước triều cường tại Lộc Hà hiện nay cũng cao hơn từ 10-20cm so với 10 năm trước đây; nước mặn đã lấn vào sông thêm 10km.

 

Các biến đổi thất thường này đã gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của người dân: làm chết cây trồng, giảm năng suất, tăng chi phí sản xuất, môi trường bị phá huỷ. Lũ lụt cũng làm người dân miền núi không gieo cấy được vụ lúa mùa, vụ hè thu thì bấp bênh, dễ mất mùa.

 

Ngoài các chính sách của chính quyền địa phương gắn với việc xây dựng các công trình nhằm ngăn chặn và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra như làm đập, trồng rừng đầu nguồn, xây đê biển… thì bản thân các hộ dân, đặc biệt là nhà nông cũng cần có những biện pháp để đối phó và thích ứng với các thiên tai từ điều chỉnh phương thức sinh hoạt đến các hoạt động sản xuất.