- Trong giai đoạn 2009-2012, Tập đoàn Dịch vụ môi trường Việt Nam sẽ được thành lập với cổ phần chủ yếu của Nhà nước, đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài trong cùng lĩnh vực.
Nội dung trên được đề cập trong dự thảo “Đề án phát triển dịch vụ môi trường phù hợp với các quy định của WTO làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài” Bộ TN-MT vừa trình Chính phủ.
Theo đó, trong những năm tới, các loại dịch vụ môi trường (DVMT) sẽ được phát triển mạnh nhằm giảm thiểu tối đa chất thải, cải thiện chất lượng môi trường và chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Được biết, dự kiến tổng kinh phí thực hiện đề án này lên tới 6.219,5 tỷ đồng, chủ yếu từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động các nguồn vốn khác như ODA, vốn từ các chương trình hợp tác quốc tế và các thành phần kinh tế.
Đề án hướng tới việc hoàn thành tốt, đầy đủ cam kết với WTO, tạo thuận lợi thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành DVMT trong nước.
Trong giai đoạn 2009-2012, Đề án nhằm xây dựng Chiến lược Phát triển DVMT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; lập và phê duyệt quy hoạch kết cấu hạ tầng và bảo vệ môi trường đến năm 2020; thành lập Tập đoàn Dịch vụ môi trường Việt Nam với cổ phần chủ yếu của Nhà nước, đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn của đất nước và đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài về môi trường.
Đến năm 2015, xây dựng và thực hiện lộ trình tái cơ cấu các doanh nghiệp DVMT nhà nước theo hướng cổ phần hóa phù hợp với cơ chế thị trường và các cam kết với WTO; hình thành và phát triển thị trường DVMT ở Việt Nam phù hợp với nền kinh tế thị trường và các cam kết với WTO; xây dựng cơ sở dữ liệu về DVMT và cơ chế trao đổi thông tin, đối thoại về DVMT.
Để thực hiện các mục tiêu trên, giải pháp hàng đầu là hoàn thiện thể chế chính sách nhằm tạo khung pháp lý cho các thành phần kinh tế tham gia bình đẳng vào hoạt động kinh doanh này; đồng thời thu hút và khuyến khích khu vực tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài.