Một số bao bì thực phẩm có thể gây vô sinh?

09:04, 06/12/2008

Bisphenol-A, một hoá chất gây tranh cãi được dùng để làm cứng các loại bao bì cho nhiều loại thực phẩm và đồ uống có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của loài người.

Tháng trước, một cố vấn khoa học của Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ đã sai lầm khi công bố rằng bisphenol-A (BPA), sử dụng rộng rãi trong việc sản xuất bình sữa cho trẻ sơ sinh và các loại bao bì cho thực phẩm và đồ uống không có gì nguy hiểm cho sức khoẻ. Cục này cũng cho biết vào đầu năm 2009 sẽ bắt đầu nghiên cứu liệu BPA có ảnh hưởng gì đến trẻ em dưới 1 tháng tuổi không.

 

Ngay sau đó, cuối tháng 11/2008, tại hội nghị thường niên của Hội Y học sinh sản Mỹ, họp ở San Francisco, có nhiều bản báo cáo chứng minh rằng BPA có thể không chỉ làm giảm xác suất thành công khi thụ tinh trong ống nghiệm mà còn làm bào thai không bám được vào tử cung. “Phát hiện này là vô cùng quan trọng”, TS Richard J. Paulson, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết học sinh sản và Vô sinh, Trường Y Nam California đánh giá.

 

Trong báo cáo đầu tiên, một nhóm các nhà y học của Trường ĐH California do TS Julie Lamb đứng đầu đã xác định mức độ BPA trong những người (cả nam và nữ) đến bệnh viện để thụ tinh trong ống nghiệm và thấy rằng 93% trong số 41 phụ nữ có lượng BPA ở mức phát hiện được, và 81% trong số 41 nam giới có chứa BPA ở liều lượng đáng kể.

 

Các nhà nghiên cứu có nhận xét, ở những người phụ nữ có nhiễm BPA thường xảy ra hiện tượng khó thụ thai. Nhưng Paulson không cho rằng nhận xét này đủ cơ sở để chứng minh BPA tác động đến sự thành công của việc tạo ra phôi trong ống nghiệm.

 

Trong một bản báo cáo khác, BS. Shelley Ehrlich, Trường ĐH Y tế cộng đồng Harvard và các đồng nghiệp nhận thấy rằng việc bị phơi nhiễm (exposure) với BPA không có ảnh hưởng gì tới tinh trùng, sau khi đã xác định mức độ BPA trong tinh trùng của 71 người đàn ông và đánh giá chất lượng tinh trùng của họ.

 

Phát hiện này, theo TS. Paulson, đã “tái khẳng định rằng các kết quả chỉ nên coi là bước đầu, vì thời gian nghiên cứu còn ít”.

 

Bình luận về 2 công trình nghiên cứu này, TS. Hugh S. Taylor, Chủ nhiệm Khoa Nội tiết học sinh sản và Vô sinh, Trường Y thuộc ĐH Yale, lưu ý thêm các nghiên cứu chưa đạt được mức độ tin cậy về mặt thống kê (vì số liệu còn hạn chế) “Đó là điều tôi còn hồ nghi về sự kết án BPA. Dường như BPA vẫn nghiêng nhiều hơn về vai trò của một độc tố phát triển, có liên quan đến tử vong khi sinh và phát triển sau này của trẻ”.

 

Trong công trình nghiên cứu thứ ba, TS. Lusine Aghajanova, thực tập sinh sau tiến sĩ tại Trường ĐH California, San Francisco, đã cho tế bào tử cung của những người phụ nữ khoẻ mạnh tiếp xúc với BPA với mức độ thường phát hiện ở những người Mỹ. Cô cho biết: “Chúng tôi đã quan sát thấy rằng khi những tế bào tử cung bị phơi nhiễm với BPA thì sự phân chia tế bào bị giảm sút nghiêm trọng. Hơn nữa, những số liệu chúng tôi thu được còn chứng tỏ BPA có thể can thiệp vào sự phát triển sau này của tế bào tử cung và cách các tế bào này chuẩn bị cho việc mang thai của người phụ nữ”.

 

Những nghiên cứu trước đây trên súc vật chứng tỏ BPA có thể tác động giống hệt hocmon giới tính của nữ giới là estrogen. Nỗi lo lắng là ở chỗ sự phơi nhiễm với hoá chất này có thể gây ra những khuyết tật khi sinh và những vấn đề phát triển của trẻ.

 

Người ta còn nghi ngờ sự phơi nhiễm với BPA còn là nguyên nhân của một số nguy cơ về sức khoẻ khác nữa như ung thư, tiểu đường, béo phì và những rối loạn về thiểu năng trí tuệ. Sự phơi nhiễm BPA có thể xảy ra qua cách tiếp xúc trực tiếp với hoá chất này hoặc gián tiếp qua đồ ăn thức uống đựng trong những bao bì có sự tham gia của BPA trong quá trình sản xuất.