Trong lúc thăm dò các lớp đá bên dưới lòng đất ở Hawaii, các công nhân của một công ty Mỹ vô tình khoan trúng magma và mũi khoan của họ đã tạo nên một ngọn núi lửa.
Chứng kiến magma trong môi trường tự nhiên của nó (dưới lòng đất) luôn là ước mơ của mọi chuyên gia núi lửa. Vì thế mà Bruce nói rằng sự kiện này đối với giới địa chất giống như việc tìm thấy một con khủng long còn sống đối với các chuyên gia cổ sinh vật học.
Dự án thăm dò năng lượng địa nhiệt được tiến hành để phục vụ nhà máy địa nhiệt điện (sản xuất điện nhờ sức nóng dưới lòng đất) mang tên Puna Geothermal Venture, thuộc tập đoàn Ormart Technologies. Các chuyên gia của nhà máy chọn núi lửa Kilauea, ngọn hỏa diệm sơm hoạt động thường xuyên nhất thế giới liên tục phun nham thạch kể từ năm 1983.
Các công nhân phát hiện một thứ gì đó không bình thường tại khu vực Puna Geothermal Venture khi khoan tới độ sâu 2,5 km. Sau đó họ nhìn thấy magma phun cao tới 8 mét ra khỏi ống mà họ đã nhồi xuống đất. Sau khi chạm đất, magma đông đặc thành một chất trong suốt do tiếp xúc với nước ngầm.
Các nhà khoa học nhận thấy magma ở đây được tạo nên bởi dacite, một loại đá có thể tạo thành đá granite, chứ không phải bazan. “Nếu chúng tôi khoan trúng đá bazan, sự kiện này sẽ không gây ngạc nhiên lớn”, William Teplow, một chuyên gia tư vấn của dự án thăm dò nhận định.
Từ nhiều năm qua giới khoa học tin rằng đá dacite có thể tách ra khỏi magma có bazan để tạo thành đá granite, nhưng họ chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ được tận mắt chứng kiến quá trình đó trong điều kiện tự nhiên. Với nhiệt độ lên tới 1.050 độ C, magma ở núi lửa Kilauea là nguồn cung cấp nhiệt năng chất lượng cao cho hoạt động sản xuất điện. Các chuyên gia khẳng định trữ lượng magma lớn đến nỗi người ta có thể dùng chúng để nghiên cứu khoa học và sản xuất điện.
“Hố khoan của chúng tôi giống như mũi kim, còn mỏ magma này giống như một con voi”, Lucien Bronicki, giám đốc phụ trách kỹ thuật của tập đoàn Ormart Technologies, đánh giá.