Sản xuất điện từ... phân chuồng

08:54, 10/12/2008

Pháp vừa xây dựng xong một nhà máy đầu tiên để khí hoá (mêtan hoá) phế liệu nông nghiệp tại Mené (Ille-et-Vilaine). Năm 2009, nhà máy này sẽ xử lý 35.000 tấn chất thải của ngành chăn nuôi và 40.000 tấn mỡ thu hồi từ lò giết mổ gia súc để sản xuất ra 7,5 megawatt giờ (MWh) điện năng và nhiệt năng cùng với 6.500 tấn phân trộn.

Trong hệ tiêu hoá của các động vật có vú, luôn luôn sẵn có những vi sinh vật để phân huỷ các chất hữu cơ trong điều kiện không có oxy để tạo thành khí sinh học chứa 60% khí mêtan (CH4).

 

Trong nhà máy, quá trình này được thực hiện trong một “thiết bị tiêu hoá” (digestor), giống như một cái dạ dày nhân tạo khổng lồ, tạo ra những điều kiện lý tưởng để các vi sinh vật phát triển. Thùng chứa trong “thiết bị tiêu hoá” được đóng thật kín, duy trì tại nhiệt độ giống như nhiệt độ trong cơ thể loài vật, là 38 độ C và trộn đều nguyên liều đưa vào để quá trình phân huỷ xảy ra đồng đều. Khí tạo thành được đốt cháy và thu hồi nhiệt để sản xuất ra điện.

 

Kỹ thuật này là một bộ phận trong dự án lớn của Pháp nhằm làm giảm hiệu ứng nhà kính. Quả vậy, nông nghiệp của Pháp là nguồn thải ra 107 triệu tấn CO2 trong tổng số 540 triệu tấn mà nước Pháp đã đã đưa vào bầu khí quyển hàng năm.

 

Những “thiết bị tiêu hoá” sử dụng mêtan, là chất khí có khả năng làm Trái đất nóng lên cao hơn khả năng này của khí cacbônic đến 21 lần.

 

Cục môi trường và quản lý năng lượng (Ademe) Pháp ước tính rằng chỉ cần áp dụng việc khí hoá (tức mêtan hoá) 10% trong tổng số 150 triệu tấn phân súc vật có sẵn ở Pháp thì hàng năm có thể tránh được sự đưa vào không khí 1,7 triệu tấn CO2.