Những ngày ''ăn Tết'' là chuỗi dài các bữa tiệc với thành phần thực phẩm đặc biệt, sẽ dẫn đến những hệ lụy khác nhau với từng cá nhân.
Tết thịnh soạn
Ăn Tết thịnh soạn luôn là một nhu cầu không thể thiếu của mọi gia đình. ''Tết'' luôn luôn đồng nghĩa với ''ăn Tết'', vì cuộc vui nào cũng có ăn uống và việc ăn uống còn làm cuộc vui tăng thêm.
Tuy nhiên, những ngày ăn Tết là chuỗi dài các bữa tiệc với thành phần thực phẩm đặc biệt, sẽ dẫn đến những hệ lụy khác nhau trên từng cá nhân. Sau Tết không phải ai cũng khỏe mạnh hơn mà ngược lại, nhiều người thường có tình trạng dinh dưỡng kém hơn trước Tết. Vì sao như vậy?
Ngày Tết, nhà nhà đều chuẩn bị đầy đủ bánh, mứt, nước ngọt, bia rượu… để đãi khách. ''Thịt mỡ, dưa hành,…'', ''…bánh chưng xanh'' luôn sẵn sàng bên cạnh ''…câu đối đỏ'', nhánh mai xuân. Khách khứa đến chúc xuân, mừng tuổi. Cả khách và chủ cùng nhau thưởng thức khi thì cái bánh cục kẹo, khi thì miếng chả lụa, khoanh dưa hấu,… Đi lại trong trời nắng nóng càng làm cho ly nước ngọt, bia lạnh có giá trị giải khát được nạp liên tục trong ngày.
Đến bữa ăn chính, các thức ăn ''truyền thống'' như thịt lợn kho trứng, thịt chiên, lạp xưởng, bánh chưng… giàu chất béo được hâm đi hâm lại, thiếu cơm nóng hoặc thiếu rau xanh càng làm cho bữa ăn càng trở nên ngán ngấy hơn bình thường.
...Và hậu quả ''no ngang''
Hậu quả, người gầy sẽ càng gầy thêm. Các thức ăn lặt vặt không cung cấp nhiều năng lượng nhưng lại gây ra hiện tượng ''no ngang'' làm cho người đó không thể ăn đủ khi vào bữa chính.
Còn người dư cân béo phì? Khả năng nạp thức ăn vô hạn của họ sẽ càng được khuyến khích cả khi ăn vặt lẫn khi vào bữa chính với vô số các thức ăn hấp dẫn giàu chất béo, giàu bột đường của ngày Tết. Bạn có thể tăng cân 2-3 kg rất dễ dàng chỉ trong 1-2 tuần lễ ăn Tết.
Vì vậy, để đảm bảo tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe ổn định trong những ngày có lịch sinh hoạt và chế độ ăn uống rất xáo trộn này, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
1. Hãy lên chương trình du xuân và chuẩn bị thực đơn cho những ngày Tết để có kế hoạch mua sắm và dự trữ thực phẩm phù hợp. Hạn chế trường hợp dự trữ thức ăn quá nhiều không có kế hoạch, hậu quả là ra Tết sẽ có vô số thức ăn bị đổ bỏ rất lãng phí. Tiếc của ăn đồ hư thối cũng dễ bị ngộ độc, rối loạn tiêu hóa.
2. Khi mua sắm Tết vào ngày 29-30, ngoài việc lựa chọn các thực phẩm tươi sống hoặc thức ăn công nghiệp còn hạn sử dụng, nên mua rau xanh và trái cây cho mùng 1 mùng 2, mua bí bầu - su su - cà rốt – bắp cải cho mùng 3, mùng 4 để có đủ rau củ ăn khi vào mùng 5 mới nhóm chợ.
3. Tạm ngưng các thức ăn, thức uống lặt vặt trước bữa ăn chính 2 giờ.
4. Hạn chế các loại thức ăn năng lượng rỗng (cung cấp năng lượng nhưng không kèm vitamin, khoáng chất) như bánh, kẹo, mứt,… các thức uống như nước ngọt, bia… mà thay bằng ăn các loại trái cây phù hợp với tình trạng dinh dưỡng của mình. Người gầy thì ăn dưa hấu, quýt, xoài chín, nhãn… Người tròn thì ăn thanh long, củ sắn, táo, bưởi … trong khi tiếp khách ngoài bữa ăn chính.
5. Cố gắng đảm bảo món ăn, bữa ăn, giờ ăn càng gần giống với ngày bình thường càng tốt.
6. Theo dõi cân nặng mỗi ngày sẽ giúp bạn có cơ sở và động lực để điều chỉnh việc ăn uống của mình cho phù hợp hơn.
7. Chú ý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vì nhiệt độ cao khi trời nắng nóng ngày tết là điều kiện thuận lợi để vi trùng phát triển.
8. Đối với người béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, cao mỡ máu… cần duy trì chế độ ăn bệnh lý mà bác sĩ yêu cầu vì những thức ăn giàu béo, giàu bột đường ngày tết chính là những thủ phạm làm nặng thêm quá trình bệnh lý.