Đào tạo nhân lực hàng không vũ trụ Việt Nam

08:36, 18/01/2009

Ngày 17/1, Trường ĐH Công Nghệ (ĐHQG Hà Nội) và Viện Công nghệ vũ trụ (Viện KH&CN Việt Nam) đã ký văn bản hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ hàng không vũ trụ.

Theo đó, Bộ môn Công nghệ Hàng không - Vũ trụ ra đời, có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phục vụ Chiến lược Phát triển công nghệ hàng không - vũ trụ của Việt Nam.

Trước mắt, bộ môn đào tạo hai chuyên ngành chính trong chương trình đào tạo kỹ sư Cơ học kỹ thuật là: Công nghệ vũ trụ và Cơ điện tử. Bộ môn trực thuộc Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hoá của ĐH Công Nghệ và là Bộ môn phụ thuộc Viện Công nghệ Vũ trụ.

Theo mô hình liên kết đã thỏa thuận, Bộ môn Công nghệ Hàng không - Vũ trụ được Viện hỗ trợ, cho phép sử dụng trang thiết bị và cơ sở vật chất của Viện để thực hiện nhiệm vụ đào tạo ĐH, sau ĐH và nghiên cứu khoa học, với đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu được huy động từ cả hai cơ quan.

GS.TS Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, ĐH Công nghệ sẽ đào tạo sinh viên 3 năm đầu. Khi bắt đầu học chuyên ngành, các sinh viên sẽ đến Viện Công nghệ Vũ trụ học tập, nghiên cứu khoa học, thực hiện khóa luận do các nhà khoa học của Viện trực tiếp hướng dẫn.
Chủ trương đào tạo nhân lực theo mô hình kết nối viện - trường được Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện đã lâu, tuy nhiên hiệu quả chưa cao. Một số trường Đại học ở Việt Nam đã có Khoa Hàng không Vũ trụ, nhưng chưa có trường đại học nào chính thức đào tạo chuyên ngành Công nghệ Hàng không - Vũ trụ, đặc biệt là công nghệ vũ trụ, như lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vệ tinh.

Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao để thực hiện Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến 2020 đang đặt ra bức thiết. Việt Nam cần có đội ngũ cán bộ đủ mạnh để làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất…, đáp ứng rộng rãi và thường xuyên nhu cầu của các ngành sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế, mở rộng và thương mại hoá các sản phẩm ứng dụng công nghệ hàng không vũ trụ.

Từ tháng 9/2007, ĐH Công nghệ đã phê duyệt chương trình đào tạo chuyên ngành Công nghệ vũ trụ thuộc ngành đào tạo kỹ sư cơ học kỹ thuật. Với thế mạnh trong đào tạo và nghiên cứu về công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và cơ học kỹ thuật, trong tương lai, ĐH Công nghệ sẽ phối hợp với các tổng công ty, các tổ hợp công nghiệp ở trong và ngoài nước xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành công nghệ hàng không.