Đó là ông Trần Thanh Hùng, 54 tuổi, ở xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Thấy sản xuất lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất lúa thương phẩm, nông dân Trần Thanh Hùng tích cực học hỏi các kỹ sư nông nghiệp, tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ thuật về chọn và lai tạo lúa giống, nỗ lực nghiên cứu tài liệu khoa học về lai tạo giống lúa mặc cho lời ra tiếng vào rằng “kỹ sư nông nghiệp mới lai tạo thành công lúa giống chứ nông dân sao làm nổi”. Sau một thời gian, ông Hùng bắt đầu thử nghiệm. Ông lấy giống Khaodak Mali (cây mẹ) lai với giống MTL 233 (cây cha). Kiên trì suốt 9 vụ lúa, ông đã lai tạo thành công giống lúa mới tên NV1 (Núi Voi 1), được Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang trồng thử nghiệm tại các huyện và được đánh giá cao, mở ra triển vọng cho giống lúa mới NV1. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã chuyển giống lúa này về Viện Nghiên cứu và Phát triển ĐBSCL, Trường Đại học Cần Thơ tiến hành các đánh giá cơ bản và đăng ký khảo nghiệm giống cấp quốc gia. Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL tổng hợp các kết quả nghiên cứu và khảo nghiệm chuẩn bị trình Bộ NN-PTNT xin công nhận giống lúa mới. Giống này có các ưu điểm: Thời gian sinh trưởng 3 tháng, có mùi thơm phảng phất, kháng rầy nâu, năng suất từ 7 đến 7,2 tấn/ha/vụ đông xuân, vượt trội hơn các giống lúa thường, giá thị trường cao hơn lúa thường từ 900 – 1.060 đồng/kg.
Sau khi lai tạo thành công giống lúa NV1, ông Hùng tiếp tục lai tạo thành công giống lúa NV2, TB1 (Tịnh Biên 1) và trên 20 giống lúa khác với nhiều thuộc tính vượt trội.
Ngoài ra, ông Hùng còn nghiên cứu và ứng dụng thành công quy trình 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa. Nhiều nông dân địa phương đã áp dụng quy trình này, mang lại năng suất bình quân 17,1 tấn/ha/năm, giá thành giảm, lợi nhuận nhiều hơn 2,5 triệu đồng/ha so với các mảnh ruộng trong vùng sản xuất theo phương pháp truyền thống.