Trong nhiều năm qua, giống lúa Nông lâm 7 do tác giả Phạm Văn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm thực hành thực nghiệm, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên chọn tạo đã được người nông dân đưa vào sản xuất. Đây chỉ là một trong những điển hình của việc chuyển giao khoa học công nghệ giữa Đại học Nông lâm và người nông dân trong tỉnh.
Quá trình lai tạo giống lúa Nông lâm 7 được tiến hành từ vụ xuân năm 2004, vụ mùa năm 2004 tiến hành đánh giá hạt lai F1. Vụ xuân năm 2005 tiến hành gieo các thế hệ hạt cây phân ly và chọn lọc. Đến vụ mùa năm 2006, Trung tâm đã thu được 5 dòng có triển vọng và vụ xuân 2007 tiến hành nhân hạt. Trong vụ mùa 2007 tiến hành khảo nghiệm cơ bản. Sau 4 năm lai tạo, giống lúa này đã được lấy tên nhà trường để đặt - Nông lâm 7
Điểm nổi bật của giống lúa Nông lâm 7 là thời gian sinh trưởng tương đối ngắn, vụ mùa 100-105 ngày, vụ xuân 120-125 ngày, tương đương với giống lúa Khang dân. Lúa cấy được cả 2 vụ/năm, năng suất tương đối cao, cứng cây, tỷ lệ hạt chắc cao và khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp với chân đất 3 vụ/năm (2 vụ lúa -1 vụ đông trồng cây màu).
Tác giả Phạm Văn Ngọc cho biết: Thực tế hiện nay nhiều vùng khó khăn nếu không có sự trợ giá của Nhà nước thì nông dân không thể trồng được lúa lai. Việc chọn tạo giống lúa thuần tuy khó giữ được bản quyền, nhưng giúp nông dân nghèo, ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội được cấy giống lúa mới có năng suất cao, vừa sản xuất thóc thịt, vừa tự để giống cho vụ sau.
Theo PGS-TS Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm: "Việc NCKH và chuyển giao công nghệ với các địa phương không chỉ đơn thuần nhằm tăng nguồn thu cho Trường, mà nó là nhiệm vụ chính trị của đơn vị đóng trên địa bàn. Nhà trường luôn khuyến khích, động viên các nhà giáo tham gia NCKH. Nếu như trước đây nhà trường chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) theo kiểu có gì làm nấy, thì giờ đây căn cứ vào nhu cầu đặt hàng của địa phương, các nhà giáo, nhà khoa học nghiên cứu, chuyển giao. Từ việc chuyển giao KHCN là cơ hội tốt để thầy trò nhà trường và các cán bộ quản lý, kỹ thuật của tỉnh chia sẻ kinh nghiệm thông tin về khoa học công nghệ mới. Các hộ dân được tiếp cận với các kỹ thuật tiến bộ, từng bước thay đổi nhận thức về cách làm ăn, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điều quan trọng hơn cả là tỉnh sẽ chủ động về nguồn giống cây trồng, vật nuôi".
Được biết, bám sát vào 5 chương trình và 17 đề án trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2006-2010, Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên đang triển khai nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng gạo Bao thai Định Hoá; xây dựng mô hình sản xuất chè xanh theo tiêu chuẩn Việt GAP; xây dựng mô hình sản xuất hạt giống ngô lai, sản xuất thử nghiệm phân hữu có sinh học và vi lượng đất hiếm phục vụ cây chè và một số cây trồng khác...
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Văn Vị, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: "Nội dung ký kết hợp tác và chuyển giao KHCN giữa tỉnh và ĐH Thái Nguyên trong 3 năm qua nổi bật nhất vẫn chỉ tập trung ở lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Các đề tài liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn dễ đi vào cuộc sống là do xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, kinh phí thực hiện dự án không lớn, công nghệ chuyển giao không cầu kỳ. Tới đây, Sở tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn các đề tài, dự án do ĐH Thái Nguyên và các trường thành viên đề xuất đưa vào thực hiện tiếp trong những năm tiếp theo".
Không thể phủ nhận sau nhiều năm phối hợp giữa tỉnh và các trường thành viên của ĐH Thái Nguyên việc chuyển giao KHCN đã đem lại hiệu quả rất lớn trên nhiều lĩnh vực, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Tuy nhiên, vấn đề mở rộng các mô hình sau khi chuyển giao KHCN và kết thúc dự án cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa.