Mỹ phê chuẩn việc trị liệu bằng tế bào gốc

08:45, 02/02/2009

Hạ tuần tháng Giêng năm 2008, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép thử nghiệm lâm sàng việc tiêm tế bào gốc thai nhi vào cơ thể người. Đây là một hành động mang tính đột phá trong lịch sử nghiên cứu tế bào gốc.

Tập đoàn y tế Geron, có trụ sở tại California đã chính thức công bố việc được phép của FDA để tiến hành thử nghiệm trên 10 bệnh nhân chấn thương nghiêm trọng dây thần kinh cột sống.

Những người này đều bị liệt hoàn toàn tại các đốt sống từ thứ ba đến thứ 10. Họ sẽ được tiêm tế bào gốc của thai nhi, lấy tại một bệnh viện phụ sản. Đây là những tế bào gốc từ phôi thai 4-5 ngày tuổi mà nếu không thu hồi cũng bị thải bỏ.

Phương pháp điều trị mà Tập đoàn Geron được FDA cho phép tiến hành được gọi là GRNOPC1.

“Mục đích cuối cùng của việc sử dụng GRNOPC1 là tiến hành phục hồi chức năng của dây thần kinh cột sống bằng cách tiêm trực tiếp tế bào gốc vào vị trí tổn thương của dây thần kinh cột sống bệnh nhân”, Thomas Okarma, Giám đốc điều hành Tập đoàn Geron, nói. Tập đoàn Geron đã từng đầu tư 45 triệu đôla vào nghiên cứu tế bào gốc nhưng phải tạm đình chỉ vì không được chính quyền Bush cho phép.

Đề tài mà Geron đang theo đuổi, được gọi là "Demyelin hoá". Myelin là chất bảo vệ, bao bọc các tế bào thần kinh gọi là axon, đẩy nhanh tốc độ của các tín hiệu đi qua chúng. Một số chấn thương cột sống nghiêm trọng đã làm cho lớp myelin bảo vệ này bị vỡ ra, khiến các tín hiệu bị gián đoạn làm bệnh nhân bị liệt hoặc mắc các bệnh như Parkinson, Alzheimer ...

Những tế bào gọi là tế bào ít nhánh oligodendrocyte sản xuất ra myelin cho hệ thần kinh trung ương và chương trình của Tập đoàn Geron là sử dụng các tế bào oligodendrocyte tiền thân này. Những tế bào tiền thân khi tiêm vào vùng cột sống sẽ trưởng thành, thành tế bào oligodendrocyte, và giúp cho việc tái tạo lại lớp bảo vệ myelin đã bị mất đi.

Phương pháp chữa bệnh này là một phương pháp can thiệp sâu (intisive). Trong giai đoạn một, các nhà nghiên cứu có kế hoạch tìm những bệnh nhân bị chấn thương nghiêm trọng dây thần kinh cột sống, xảy ra trong khoảng 7 đến 14 ngày trước khi tiêm tế bào gốc. Lần tiêm đầu tiên áp dụng trên loài vật là bơm khoảng 2.000.000 tế bào gốc vào con vật thí nghiệm – ít hơn số cần sử dụng, so với kích thước của chúng vì ở giai đoạn một này cần phải bảo đảm là quá trình an toàn. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành trên 24 con chuột, và với phương pháp này họ đã thành công trong việc tái tạo myelin.

Tế bào gốc vốn là tế bào phôi 4, 5 ngày tuổi, có khả năng biến thành bất cứ tế bào nào trong cơ thể. Tuy nhiên khi lấy đi tế bào gốc, phôi bị phá hủy. Đó chính là sự kiện gây tranh cãi nhất trong suốt 10 năm qua.

Quỹ nghiên cứu liên bang bị cấm tài trợ cho việc nghiên cứu tế bào gốc cho đến tháng 8/2001, chính quyền Bush mới duyệt chi cho nghiên cứu đề tài này nhưng chỉ cho những dòng tế bào hiện có. Các nhà khoa học sau này đã tìm ra khoảng hai chục dòng có ích cho nghiên cứu nhưng những người phản đối việc nạo phá thai vẫn chống lại việc hợp pháp hóa khiến Tổng thống Bush đã hai lần phủ quyết những cố gắng của Quốc hội đề xuất ông phê chuẩn nghị định này.

Tổng thống mới Obama đã được các nhà nghiên cứu, giới luật gia khuyến nghị nới lỏng các hạn chế đang bó tay nhà nghiên cứu trong việc phát triển các phương pháp mới chữa bệnh Parkinson, Alzheimer và tiểu đường.