Phần mềm tính toán thiệt hại động đất tại TP.HCM

09:36, 19/02/2009

Ngày 16/2, Sở khoa học công nghệ TP.HCM đã nghiệm thu đề tài ''Đánh giá độ rủi ro động đất cho TP.HCM trên cơ sở sử dụng GIS và các mô hình tính toán'' của PGS.TS Nguyễn Hồng Phương- Viện Vật lý địa cầu thuộc Viện Khoa học Việt Nam.

Đề tài nói trên do Trung tâm nghiên cứu công nghệ và thiết bị công nghiệp, Đại học Bách khoa TP.HCM chủ trì, Viện vật lý địa cầu, Viện khoa học công nghệ Việt Nam phối hợp thực hiện.

PGS.TS Nguyễn Hồng Phương cho biết, sở dĩ ông và các cộng sự chọn khu vực TP.HCM làm nơi nghiên cứu là do từ trước tới nay, TP mới chỉ dừng lại ở việc phân vùng các khu vực có độ nguy hiểm cao, chứ chưa tính đến những thiệt hại mà cộng đồng đô thị phải gánh khi có động đất xảy ra.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, để đánh giá thiệt cho khu vực hai quận Một và Ba (TP.HCM), các động đất kịch bản được xây dựng trên các giả thiết như: chấn tâm động đất kịch bản được lấy tại một điểm nằm trên đứt gãy có khoảng cách gần nhất với địa phận TP.HCM; Ngoài độ chấn tâm, các tham số khác của động đất kịch bản được xác định theo các tham số hình học và địa động lực của chấn đoạn đứt gãy phá hủy phát sinh ra nó….

“Do từ trước tới nay chưa có động đất mạnh ghi nhận được trên địa bàn thành phố, các kịch bản động đất trên được xây dựng với giả thiết chúng được phát sinh trên hệ đứt gãy Thuận Hải-Minh Hải có vị trí gần TP.HCM nhất”- chủ nhiệm để tài cho biết.

Kết quả tính toán rủi ro theo các kịch bản hiện thực cho thấy khi có động đất xảy ra, khả năng bị tổn thương sẽ tập trung cao nhất tại các khu vực đô thị, nơi tập trung mật độ dân cư cao và là trung tâm của các hoạt động xã hội.

Theo đó, đề tài đã thành công trong việc xây dựng phần mềm ArcView GIS - cho phép tự động hóa các thao tác với cơ sở dữ liệu, tính toán và hiển thị bản đồ kết quả khi nhập vào các thông số như độ lớn, độ sâu của các rung động địa chấn. Sau đó, phần mềm sẽ mô phỏng và tính toán các thiệt hại về con người và nhà cửa trong mỗi trường hợp tương ứng.

Ông Phương cũng kiến nghị TPHCM cần có chương trình nghiên cứu, đánh giá định kỳ về vấn đề này 2 năm/lần với sự tham gia của các chuyên gia trong ngành để có thể sẵn sàng ứng phó khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, cần xây dựng và sớm triển khai một chương trình quản lý rủi ro và giảm nhẹ thiệt hại do động đất cho TP.HCM.