Bệnh nhân bỏng lửa xăng nặng khiến da bị hỏng. Sau khi phục hồi sức khỏe các bác sĩ Viện Bỏng quốc gia đã tiến hành ghép tế bào sừng tự thân nuôi cấy cho trường hợp này.
Kết quả ghép da đạt khoảng 76%, phần còn lại bệnh nhân được ghép tế bào sừng. Ngày thứ 3 sau ghép, các tấm tế bào có độ bám rất tốt trên vết thương. Đến ngày thứ 12 sau ghép, tỷ lệ thành công khoảng 80%. Như vậy, sau 12 ngày điều trị bằng cấy ghép tế bào sừng tự thân, vết thương cơ bản đã khỏi.
Trước khi ghép thành công cho bệnh nhân Đỗ Khương V., các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia đã tiến hành nuôi cấy trên 17 mẫu da lấy từ người tình nguyện và 7 mẫu da lấy từ bệnh nhân bỏng. Về quy trình, sau khi vệ sinh vùng cho da, lấy 3 – 4 cm2 da toàn lớp, da này đã được bảo quản trong môi trường huyết thanh, sau đó tiến hành tách tế bào sừng và tiến hành nuôi cấy.
Kết quả cho thấy, các mẫu da tự nguyện có tỷ lệ mọc tế bào sừng ở tuần thứ 1, thứ 2 đều cao hơn bệnh nhân bỏng, với tỷ lệ lần lượt là 70,5%, 57,2%. Còn tỷ lệ cấy chuyển tế bào sừng thành công ở người tình nguyện và bệnh nhân bỏng lần lượt là 91,25%, 100%.
Phương pháp nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường không huyết thanh là phương pháp đơn giản và ít tốn kém so với phương pháp trước đây trong điều trị vết thương bỏng như nuôi cấy tế bào sừng trong môi trường có huyết thanh.
Mỗi năm Viện Bỏng Quốc gia khám, điều trị cho khoảng gần 7.000 bệnh nhân.