Nuôi bọ đuôi kìm trừ sâu

08:25, 11/04/2009

Trung tâm BVTV khu 4 (Khu 4 gồm các tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ) vừa cho biết, trung tâm đã tiến hành áp dụng mô hình nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm để phòng trừ các đối tượng sâu hại trên cây cà và cây cải bắp  tại Nghệ An, Quảng Trị.  

Mục đích của mô hình là nhân nuôi, đánh giá khả năng phòng trừ sâu hại của bọ đuôi kìm trên đồng ruộng và hoàn chỉnh qui trình nhân thả bọ đuôi kìm đồng thời hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho nông dân .

 

Chương trình này được sự giúp đỡ của chương trình IPM/FAO (Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp của Tổ chức Nông lương thế giới). Một số địa phương ở ĐBSCL như ở Kiên Giang, Cần Thơ... đã thực hiện tốt mô hình này.

 

Việc sử dụng các loài bắt mồi (bọ đuôi kìm) để phòng trừ sâu hại trong việc trồng rau an toàn  đã được thực hiện thành công ở các nước ASEAN. Ở Thái Lan, việc nhân nuôi và phóng thích bọ đuôi kìm để phòng trừ sâu hại mía, rau, bông đã đem lại hiệu quả cao.

 

Bọ đuôi kìm (BĐK) màu đen (Euborellia sp) có thể ăn nhiều loài sâu hại như: Rệp, sâu tơ, sâu khoang, sâu đục quả cà tuổi nhỏ và cám mèo. Khả năng ăn rệp của BĐK rất lớn, trung bình 1 bọ trưởng thành có thể tiêu thụ từ 75-112 rệp trong 1 ngày đêm.

 

Theo hướng dẫn của trung tâm BVTV, trước khi thả BĐK trên đồng ruộng, nông dân phải tiến hành xới đất, ủ gốc cho ruộng cà và ruộng cải bắp bằng rơm mục. Biện pháp ủ gốc cho cây sẽ có tác dụng giữ độ ẩm cho đất và tạo điều kiện cho bọ đuôi kìm ẩn nấp, sinh sản và phát triển thuận lợi.

 

Phóng thích BĐK trên ruộng cà, ruộng cải bắp có hiệu quả phòng trừ rệp, sâu tơ, sâu xanh và hạn chế tối đa số lần phun thuốc trừ sâu. Về mặt kinh tế, so với cách sản xuất thông thường hiện nay (phun thuốc trừ sâu), mô hình này đem lại nguồn lợi là 800.000 đồng/ha (tương đương 40.000 đ/sào).

 

Như vậy, nhân nuôi BĐK bổ sung nguồn BĐK trên đồng ruộng nhằm khống chế sâu hại rau, đồng thời tiết kiệm được chi phí mua thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường và đặc biệt là tạo được nguồn rau sạch có chi phí thấp cho người dân.