Ngày 19/4, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ ba (III) với công suất điện 1.154 MWe, sử dụng công nghệ AP 1.000 do Công ty Westinghouse của Mỹ phát triển. Đây là lò phản ứng đầu tiên trên thế giới sử dụng công nghệ này.
Nhà máy sẽ được xây dựng theo ba giai đoạn, với số vốn đầu tư giai đoạn đầu lên tới hơn 40 tỷ Nhân dân tệ (5,88 tỷ USD) xây dựng hai đơn vị phát điện với công suất 1,25 triệu KW. Dự kiến, đơn vị phát điện đầu tiên sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2013 và đơn vị thứ hai vào năm 2014. Theo thiết kế, nhà máy Tam Môn sẽ có tổng cộng 6 đơn vị phát điện.
Năm 2003, Trung Quốc đã công bố mời thầu dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân thế hệ III. Nhiều công ty nước ngoài đã tham gia đấu thầu, trong đó các công ty Westinghouse của Mỹ, Areva của Pháp và AtomStroyExport của Nga là những nhà thầu chính.
Công ty Westinghouse giành được gói thầu trên sau khi Trung Quốc ký một bản ghi nhớ với Mỹ về chuyển giao công nghệ điện hạt nhân thế hệ III hồi tháng 12/2006. Tháng 7/2007, Tập đoàn Công nghệ điện hạt nhân quốc gia Trung Quốc và Westinghouse đã ký kết một thỏa thuận.
Theo đó Trung Quốc sẽ mua 4 lò phản ứng nước áp lực thế hệ III của Westinghouse, và công ty này sẽ chuyển giao công nghệ cho phía Trung Quốc.
Hai trong số bốn lò phản ứng trên sẽ được lắp đặt tại nhà máy Tam Môn và hai lò còn lại được đặt tại nhà máy điện Hải Dương, phía Đông tỉnh Sơn Đông.
Trung Quốc hiện có 11 lò phản ứng thế hệ hai (II) đang hoạt động tại 6 nhà máy điện tại khu vực duyên hải miền Đông, với tổng công suất lắp đặt là 9,07 triệu KW. Trong đó, 3 lò sử dụng các công nghệ nội địa, 2 lò sử dụng công nghệ của Nga, 4 lò dùng công nghệ của Pháp, và 2 lò dùng công nghệ của Canada.
Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, Trung Quốc lên kế hoạch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện hạt nhân với mục tiêu cung cấp 40 triệu KW điện vào năm 2020.