Xây dựng mô hình - Con đường ngắn nhất tiếp cận KHKT tiên tiến

09:28, 10/05/2009

Xây dựng mô hình, ô mẫu là con đường ngắn nhất giúp người nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ KHKT, sản xuất theo phương thức mới, nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp nông dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Tuy nhiên, để các mô hình, ô mẫu có khả năng nhân diện rộng, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân thì việc nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định đưa cây, con giống mới vào sản xuất thử nghiệm luôn là yếu tố cần và đủ đối với ngành chức năng; tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành có liên quan về hỗ trợ kinh phí cũng như đề ra các chương trình hoạt động phù hợp với thực tiễn để mang lại hiệu quả thiết thực…

 

Trên những cánh đồng ngô, lúa xanh mướt mát của các xã Linh Sơn, Nam Hòa, Hóa Thượng… chúng tôi bắt gặp những người nông dân đang chăm sóc lúa, màu. Dừng chân bên một thửa ruộng thuộc xóm Ngòi Chẹo (Nam Hoà), chúng tôi đã trò chuyện với chị Nguyễn Thị Hạnh. Chị cho biết: Nhiều năm trước, với hơn 6 sào ruộng, gia đình có chăm chỉ lam làm đến bao nhiêu cũng khó lòng đủ ăn. Nay vẫn mảnh ruộng đó, gia đình chị không chỉ đủ ăn mà còn có phần dư dật để chăn nuôi thêm con lợn, con gà, cải thiện đời sống. Có được kết quả đó là nhờ chị Hạnh đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT; nhiệt tình tham gia các mô hình, ô mẫu trước khi đưa các giống lúa, ngô, đậu, đỗ… mới vào gieo trồng đại trà; các giống mới mà gia đình chị gieo trồng đã cho năng suất cao gấp 2 - 3 lần các giống cũ.

 

Rời xóm Ngòi Chẹo, chúng tôi đến thăm quan các cánh đồng xóm Thanh Chử (Linh Sơn); Đồng Thái (Hóa Thượng)… những người nông dân mà chúng tôi hỏi chuyện cũng đều cho rằng: Việc xây dựng các mô hình, ô mẫu đối với họ là cần thiết. Vì người nông dân chỉ tin và làm theo khi họ tận mắt nhìn thấy hiệu quả kinh tế cây trồng, vật nuôi đem lại. Đến Trạm Khuyến nông Đồng Hỷ, chúng tôi đem những ý kiến đó bày tỏ với chị Trạm trưởng Bế Thị Minh Thu. Chị nói: Việc xây dựng các mô hình, ô mẫu hàng năm là việc cần thiết mang tính tất yếu, bởi vì hiện nay trình độ dân trí của người nông dân còn thấp, lại không đồng đều; tư duy sản xuất canh tác theo phương thức lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính vẫn còn ăn sâu bén rễ. Muốn giúp người nông dân thay đổi tư duy, tích cực áp dụng các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, sản xuất theo phương thức mới thì ngoài việc làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thôi chưa đủ, cán bộ khuyến nông còn phải cầm tay chỉ việc cho họ, mọi lý thuyết đều phải được chứng minh bằng thực hành, có kết quả cụ thể người dân mới tin và làm theo. Xây dựng các mô hình, ô mẫu đó là con đường ngắn nhất để người nông dân tiếp cận nhanh với tiến bộ KHKT tiên tiến. Tuy nhiên, không phải mô hình, ô mẫu nào cũng nhân diện ngay được, có nhiều mô hình, ô mẫu phải mất 5 năm, 7 năm, thậm chí còn lâu hơn nữa người nông dân mới làm theo. Chúng tôi xin đơn cử từ năm 1991 trở về trước, người dân chỉ trồng giống ngô cũ năng suất thấp. Năm 1992, chúng tôi đưa giống ngô lai vào trồng thí điểm, 2-3 năm sau cũng chỉ có lác đác vài hộ trồng ngô lai. Nay gần 100% diện tích đất trồng ngô được nông dân gieo trồng bằng các giống ngô lai cho năng xuất cao gấp 2-3 lần giống ngô cũ; năm 1993, huyện đưa giống lúa lai vào, đến nay mới có hơn 20% diện tích đất lúa được gieo cấy bằng giống lúa lai…

 

Trung bình mỗi năm chúng tôi xây dựng và thực hiện từ 15-20 mô hình, ô mẫu về trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng với tổng số kinh phí là 150 triệu đồng/năm; tổ chức được hơn 200 lớp tập huấn/năm; mỗi xóm, bản tổ chức được 1-2 cuộc/năm. Thông qua các hoạt động khuyến nông đã từng bước làm thay đổi tư duy cũng như tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao trình độ dân trí cho người nông dân. Đồng thời qua đó phát huy tốt vai trò tự quản trong việc xây dựng kế hoạch và chỉ đạo sản xuất, nâng cao năng lực cho Ban phát triển làng và Ban chủ nhiệm các CLB khuyến nông. Kết quả: Từ các làng nghèo như làng Trại Gai (Nam Hòa), Ao Vàng (Cao Ngạn), Na Lay (Quang Sơn)… đã phát triển thành các làng khá trong xã. Các hoạt động khuyến nông đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng lương thực của huyện Đồng Hỷ qua các năm: Sản lượng lương thực từ gần 19 nghìn tấn (1993) tăng lên hơn 37 nghìn tấn (Năm 2008), năm 2009 phấn đấu đạt 37,5 nghìn tấn… Tuy nhiên, không thể tránh khỏi có những mô hình, ô mẫu không có khả năng nhân diện rộng, nhưng con số đó chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 15%…

 

 Tuy nhiên, để các mô hình, ô mẫu có khả năng nhân diện rộng, đem lại hiệu quả thiết thực cho người nông dân thì việc nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định đưa cây, con giống mới vào sản xuất thử nghiệm luôn là yếu tố cần và đủ đối với ngành chức năng; tuy nhiên bên cạnh đó cũng cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành có liên quan về hỗ trợ kinh phí cũng như đề ra các chương trình hoạt động phù hợp với thực tiễn để mang lại hiệu quả thiết thực...