Chế tạo thành công dụng cụ nổi cứu sinh

09:33, 03/07/2009

Cục Đăng kiểm VN vừa chế tạo và thử nghiệm thành công một loại thiết bị cứu sinh khá đơn giản nhưng có tác dụng tương đương áo phao cứu sinh, rất tiện ích cho người đi đò ngang, đò dọc và phương tiện thuỷ thô sơ.

 

Thiết bị cứu sinh này được đặt tên "Dụng cụ nổi cá nhân", với các đặc tính kỹ thuật sau: một hình khối xốp chữ nhật (xốp styrofor), chiều dài 30cm, rộng 20cm và cao 17cm, được khâu bọc một lớp vải không thấm nước bên ngoài (vải polyester) và gắn với một sợi dây đôi dài khoảng 30cm, 1 chốt dùng để buộc vào cổ tay. Thử nghiệm cho thấy, khi người (trọng lượng trên 65kg) bị rơi xuống nước có đeo dụng cụ nổi ở tay, dụng cụ lập tức nổi lên mặt nước và kéo người nổi theo.

 

Theo phản xạ tự nhiên, người bị nạn (dù biết hay không biết bơi) sẽ ôm chặt lấy dụng cụ này và dụng cụ sẽ giúp phần mặt người nổi trên mặt nước. Trong cả trường hợp người bị nạn hai tay ôm dụng cụ còn thân người thả lỏng hoàn toàn, và trường hợp hai tay ôm, hai chân cùng quặp chặt lấy dụng cụ thì phần mặt người vẫn nổi trên mặt nước.

 

Đối với trường hợp nhiều người bị rơi cùng lúc, mà mỗi người có đeo một dụng cụ nổi, dù nhiều người bám vào nhau thành mảng thì các dụng cụ gắn với từng người vẫn nổi lên và kéo cả mảng người nổi lên. Hiện Cục Đăng kiểm VN đã sản xuất 2.000 thiết bị cứu sinh này để có thể phát tặng một số bến đò ngang, đò dọc và một số gia đình sử dụng phương tiện thuỷ gia dụng.

 

Ông Đỗ Trung Học - Trưởng phòng Tàu sông, Cục Đăng kiểm VN cho biết, dụng cụ này được chế tạo dựa trên cơ sở khoa học và thực tế là, khi một người bị rơi xuống nước chỉ cần ôm một vật có sức nổi 75dm3 là nổi được lên trên mặt nước. Và theo tâm lý, phản xạ tự nhiên, người bị rơi xuống nước thường biểu hiện "chết đuối vớ cọc" nên sẽ bám vào bất cứ vật gì nổi gần nhất. Mặt khác, cũng xuất phát từ thực tế là rất nhiều bến đò được trang bị áo phao cứu sinh, nhưng người đi đò không mặc, một phần do mất nhiều thao tác mặc áo, khi thời tiết nắng nóng gây khó chịu và bẩn quần áo. Vì thế, sau 3 năm thực hiện cuộc vận động "Người đi đò mặc áo phao", kết quả vẫn rất hạn chế.

 

So với áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi có ưu điểm là dễ sử dụng, bảo quản, chế tạo và giá thành chỉ khoảng 30.000 đồng/chiếc, gần bằng 1/3 giá thành áo phao cứu sinh (thậm chí có thể chế tạo bằng các vật liệu dễ kiếm như xốp, vải, dây dù). Tuy nhiên, dụng cụ nổi chỉ phù hợp với người đi đò ngang, đò dọc và phương tiện gia dụng. Bởi lẽ, tình huống và thời gian tai nạn xảy ra nhanh, đòi hỏi dụng cụ cứu sinh thường xuyên gắn với người ngồi trên phương tiện.

 

Gần đây, "cặp phao cứu sinh" - một sản phẩm được sáng chế với tác dụng vừa để đựng sách vở và có tác dụng cứu sinh cũng được nhiều người biết đến. Sản phẩm này có ưu điểm là thu hút được học sinh sử dụng, nhưng cũng có hạn chế là giá thành cao (khoảng 120.000 đồng -140.000 đồng/chiếc), tính xã hội không cao (ví dụ học sinh nghèo khó "bắt chước" chế tạo), trong khi đối tượng sử dụng chỉ là học sinh (chủ yếu trong thời gian đến trường).

 

Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ phát tặng những dụng cụ nổi cứu sinh đầu tiên cho một số bến đò, ngư dân ở tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, sẽ nghiên cứu, xây dựng các quy định cụ thể cho loại dụng cụ nổi này để chế tạo hàng loạt, tuyên truyền áp dụng rộng rãi.