Tại Viện các vấn đề y sinh Mátxcơva, một đội bay quốc tế vừa hoàn thành cuộc thí nghiệm 105 ngày đêm mô phỏng chuyến bay lên Sao Hỏa.
Trong suốt thời gian này, 6 thành viên đội bay đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm khoa học trong không gian khép kín, hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài.
Tuy nhiên, đây chỉ là những bước đầu tiên trên con đường chinh phục Hành tinh Đỏ của con người.
Trong chuyến bay giả tưởng vừa qua, môi trường sống của đội bay được bài trí như một căn hộ khép kín, tiện nghi và đó là bản sao của con tàu vũ trụ trong tương lai sẽ được phóng lên Sao Hỏa. Môi trường mô phỏng Hành tinh Đỏ chỉ có một khác biệt duy nhất là không đem lại cảm giác không trọng lượng.
Các thành viên đội bay cho biết điều kiện sống tuy rất tiện nghi, song họ đã phải chịu sức ép tâm lý khá nặng nề khi sống gần như hoàn toàn tách biệt với Trái Đất.
Đây cũng chính là mục tiêu chủ yếu của cuộc thí nghiệm: nghiên cứu các đặc trưng sự thích nghi về mặt tâm sinh lý của con người trong điều kiện sống biệt lập; nghiên cứu sự phối hòa của các thành viên với người chỉ huy ở trung tâm điều khiển chuyến bay, thông qua liên lạc radio và thư điện tử.
Ngoài ra, các thành viên đội bay còn có nhiệm vụ kiểm tra các phương tiện đảm bảo sự sống và các thiết bị khoa học. Kết quả các cuộc thí nghiệm là dữ liệu quan trọng, sẽ được áp dụng trong "chuyến bay" thứ hai nhằm hướng tới ước mơ thật sự đặt chân lên Sao Hỏa.
"Đội bay" lên Sao Hỏa gồm 4 người Nga trong đó có 2 phi công vũ trụ, 1 bác sĩ và 1 chuyên gia thể thao, 1 phi công Pháp và 1 kỹ sư Đức.
Ông Anatoly Perminov, một lãnh đạo Cơ quan vũ trụ liên bang Nga cho biết chuyến bay giả tưởng lần thứ 2 của con người lên Sao Hỏa sẽ được thực hiện trong vài tháng nữa.
Nếu "chuyến bay" thành công, các nhà bác học sẽ xây dựng một trạm vũ trụ, để các đội bay có thể sống ở đó hơn một năm, trước khi tiến hành chuyến bay lên Sao Hỏa trên thực tế.