Theo một nghiên cứu khoa học vừa công bố trên tạp chí khoa học "Proceedings of the National Academy of Sciences", loài cá đã bị mất đi một nửa kích thước trung bình và các loài nhỏ đang chiếm một tỷ lệ lớn hơn tại các vùng biển ở châu Âu do sự nóng lên của Trái Đất.
Tác giả công trình, nhà khoa học Martin Daufresne, thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường và Nông nghiệp Công ở Lyon (Pháp), cho biết kích thước là nhân tố cơ bản quyết định một số chức năng sinh học của loài cá như khả năng sinh sản. Cá nhỏ hơn có xu hướng sản sinh ít trứng hơn và cung cấp ít chất dinh dưỡng hơn. Điều này có thể tác động đáng kể tới nguồn cung thực phẩm và hệ sinh thái.
Kết hợp với các nghiên cứu trước đó, các nhà khoa học nhận thấy để đối phó với hiện tượng nhiệt độ nước biển ấm lên, loài cá buộc phải di chuyển và thay đổi môi trường sống cũng như sinh sản, và những vùng nước ấm hơn đang có xu hướng trở thành nơi sinh sống của các loài cá nhỏ hơn.
Nhà khoa học Daufresne và các đồng nghiệp đã khảo sát các nghiên cứu trong thời gian dài về mật độ và chủng loại các loài cá sống ở sông, suối và biển Bắc, biển Baltic và cũng thực hiện các nghiên cứu tương tự trên vi khuẩn và sinh vật phù du.
Họ phát hiện ra rằng trong vòng 20-30 năm qua, các loài cá có thể mất trung bình 50% kích thước cơ thể, trong khi khối lượng trung bình của toàn bộ quần thể các loài cá giảm tới 60%.
Các nhà khoa học đã quan sát nhiều thuộc tính sinh trưởng và trong nhiều môi trường sống rất khác nhau ở cá, sinh vật phù du, vi khuẩn ở các môi trường nước ngọt, nước mặn và thấy rằng tất cả các loài đều nhỏ đi trong mọi môi trường sống.
Theo giới nghiên cứu, biến đổi khí hậu và môi trường có thể là một trong những nhân tố đóng vai trò lớn làm thay đổi kích cỡ nhiều loài cá.