Sáng 22/7, đợt nhật thực toàn phần có thời gian dài nhất thế kỷ sẽ bắt đầu từ Ấn Độ, Nepal, Myanmar... rồi vượt ra ngoài Thái Bình Dương. Tại Việt Nam, nhật thực quan sát rõ nhất ở Hà Giang (75,8%), Hà Nội (67,5%) và TP HCM chỉ là 27,4%.
Do không nằm trong vùng quan sát nhật thực toàn phần nên ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được một phần của hiện tượng thiên nhiên kỳ thú này. Thời điểm bắt đầu diễn ra nhật thực là lúc 7h sáng, đạt cực đại lúc hơn 8h và kết thúc sau 9h.
Địa điểm quan sát được tỷ lệ nhật thực lớn nhất là Hà Giang (75,8%), Lào Cai (75%), Bắc Kạn (74,5%), Hà Nội (67,5%)... Càng về phía Nam, tỷ lệ này càng nhỏ: Cần Thơ (25,5%), Mỹ Tho (26%), TP HCM (27,4%)...
Theo các chuyên gia thiên văn học, do bức xạ mặt trời mạnh nên nếu dùng mắt thường không có thiết bị bảo vệ nhìn vào mặt trời trong thời điểm này có thể sẽ bị thương tật hoặc hỏng mắt vĩnh viễn. Do vậy, cần phải có các phương pháp quan sát an toàn để bảo vệ mắt trước nhưng tia độc hại từ mặt trời.
Từ 7h sáng 22/7, CLB Thiên văn nghiệp dư TP HCM sẽ tổ chức quan sát nhật thực tại Nhà thiếu nhi TP HCM (Quận 3), trong khi đó diễn đàn CLB Thiên văn Bách khoa tổ chức theo dõi tại bãi biển Phạm Văn Đồng (Đà Nẵng). Bất kỳ ai có nhu cầu sẽ được hướng dẫn cách quan sát nhật thực an toàn.
Nhật thực xảy ra khi Mặt trăng đi qua giữa Trái đất và Mặt trời và che khuất hoàn toàn hay một phần Mặt trời khi quan sát từ Trái đất. Nhật thực toàn phần là khi Mặt trời bị Mặt trăng che lấp hoàn toàn. Đĩa Mặt trời phát sáng bị che khuất bởi vành tối của Mặt trăng, và có thể quan sát thấy vầng hào quang nhạt bên ngoài là ánh sáng đến từ vành đai nhật hoa của Mặt trời. Trong thời gian xảy ra bất kỳ một lần nhật thực nào, nhật thực toàn phần chỉ có thể được quan sát thấy từ một dải hẹp trên bề mặt Trái Đất. Tại một điểm cố định, nhật thực toàn phần chỉ kéo dài vài phút (tối đa 7 phút).