Trái đất đang trải qua đợt đại tuyệt chủng lần thứ sáu và Australia, cùng với các quốc đảo Thái Bình Dương, đang đứng trước nguy cơ bị "lưu danh sử sách" với tư cách là một trong những khu vực mà các loài động thực vật sinh trưởng đang trên đà diệt vong rõ rệt nhất thế giới.
Tạp chí "Conservation Biology" ngày 29/7 công bố một kết quả nghiên cứu của một nhóm tác giả dựa trên việc xem xét 24.000 tài liệu, cho thấy rằng nạn phát quang và chặt phá rừng quá mức là một trong những mối đe doạ đáng sợ nhất đối với các sinh vật và cây cối sống trên cạn ở khu vực Châu Đại Dương.
Theo tính toán của các nhà khoa học môi trường, ngành nông nghiệp Australia đã làm biến đổi hoặc phá hủy một nửa diện tích rừng của nước này. Hơn hai phần ba diện tích rừng còn lại đang bị thoái hóa do tình trạng chặt phá.
Nghiên cứu trên phát hiện rằng hơn 1.200 loài chim ở khu vực Châu Đại Dương đang trên đà tuyệt chủng và sự biến đổi khí hậu đang đe dọa làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng này.
Một trong 14 tác giả của công trình nghiên cứu trên, chuyên gia về khoa học môi trường thuộc trường Đại học New South Wales, Giáo sư Richard Kingsford nói: "Khu vực của chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng động thực vật bị tuyệt chủng tồi tệ nhất trên trái đất. Điều này sẽ diễn ra nếu chúng ta không nghiêm túc thay đổi cách thức bảo tồn môi trường. Một nửa các loài động vật có vú ở Australia bị tuyệt chủng trực tiếp hoặc gián tiếp dưới bàn tay con người".
Năm nay, số lượng loài thú có túi ôpốt lông trắng (white lemuroid possum), thường sinh sống tại những cánh rừng nhiệt đới có độ cao trên 1.000mét ở bang Queensland, được xác định là đang giảm sút mạnh.
Nhà khoa học John Williams thuộc trường Đại học James Cook cho biết loài thú có túi ôpốt đã chứng tỏ đặc biệt nhạy cảm đối với hiện tượng nhiệt độ tăng lên và có thể đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nếu chúng ta không đảo ngược được xu hướng này.
Các nhà sinh thái học nói rằng loài ôpốt trắng tương tự như loài gấu trắng Bắc Cực, những biểu tượng đang đứng trước mối đe dọa diệt vong do sự biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu trên được đưa ra sau khi Quỹ bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) đã lên tiếng báo động sau khi số liệu thống kê mới nhất cho thấy Australia bị mất 300.000 hécta rừng trong năm 2007 do nạn phát quang và chặt phá rừng.
Phát biểu với tờ "Sydney Morning Hearald", chuyên gia Nick Heath của WWF cho rằng con số trên tương đương với việc san bằng 5 triệu ngôi nhà ở khu vực nông thôn.
Bang Queensland của Australia được ghi nhận là nơi mà tình trạng chặt phá rừng diễn ra tồi tệ nhất khi diện tích rừng bị phát quang tương đương với khu vực đất đai rộng lớn của Lãnh thổ Thủ đô (Australian Capital Territory). Năm ngoái, bang này đã áp dụng chính sách cho phép khai hoang trên quy mô lớn và diện tích đất rừng của bang này bị thu hẹp tương đương với diện tích khai hoang của tất cả các bang khác cộng lại.
WWF ước tính khoảng 20 triệu chim, bò sát và động vật có vú sẽ chết do hậu quả của việc chặt phá rừng.
Nhóm tác giả của công trình nghiên cứu trên kêu gọi các chính phủ ở Australia và các quốc đảo Thái Bình Dương hành động khẩn cấp để chấm dứt nạn động thực vật bị tuyệt chủng đang gia tăng.
Họ chỉ ra rằng cùng với việc khai hoang, chặt phá rừng và tình trạng biến đổi khí hậu, các loài động thực vật bản địa tại Châu Đại Dương cũng đứng trước các mối đe đoạ khác như các bệnh tật lây lan từ các khu vực khác, tình trạng ô nhiễm, đánh bắt cá trái phép và đưa vào các loài động thực vật ngoại lai.