Trên thế giới, không chỉ có con người mới bị những khối u ác tính dẫn đến tử vong, mà cả các loài động vật hoang dã sống trên cạn cũng như dưới nước, đều có thể mắc bệnh ung thư, và khuynh hướng này ngày càng nhiều.
Bệnh ung thư đặc biệt phổ biến ở loại các voi trắng Beluga.
"Quỷ Tasmanian" - một loài động vật sinh sống trên đảo Tasmania của Australia - hiện có nguy cơ tuyệt chủng vì bệnh Devil Facial Tumour Disease thể hiện bằng những khối u ác tính mọc trên mặt.
Theo một kết quả nghiên cứu đăng trên tờ Nature Reviews Cancer của Denise McAloose và Alisa Newton, hai nhà nghiên cứu nữ người Mỹ thuộc Hiệp hôi Bảo vệ động vật hoang dã (Wild Conversation Society - WCS) tại New York, tỉ lệ động vật chết vì bệnh ung thư cũng cao không kém con người.
Hai nhà nghiên cứu cho biết bệnh ung thư của loài động vật thậm chí đang gia tăng mạnh tại một vài khu vực, chẳng hạn như loài cá tại vùng ven biển Florida, vùng biển Caribe và Hawaii.
Trong rất nhiều trường hợp, nguyên nhân gây bệnh ung thư trong thế giới động vật là do môi trường bị ô nhiễm vì nhiều chất độc và do vi khuẩn.
Ngoài ra, còn một nguyên nhân khác, không thấy xảy ra ở loài người, đó là sự lây truyền tế bào ung thư trực tiếp từ cá thể động vật này sang cá thể động vật khác, ví dụ như trường hợp các con chó hoang vùng nhiệt đới rất dễ truyền bệnh cho nhau qua hoạt động giao phối hoặc khi chúng liếm bộ phận sinh dục của nhau.
Các nhà khoa học tin rằng nếu theo dõi kỹ và tìm ra được nguyên nhân gây bệnh ung thư cho động vật, thì nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm đi rất nhiều.
Ngoài ra, nhờ vào những hiểu biết về nguyên nhân gây bệnh ung thư của động vật mà các nhà khoa học có thể có thêm kiến thức để đối phó với các bệnh ung thư của con người.