Ngày 23/9, Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa đẩy PSLV-C 14 từ trung tâm phóng vệ tinh ở Sriharikota, thuộc bang Andha Pradesh ở miền Nam nước này.
Tên lửa PSLV-C 14 được phóng lúc 11h 51 (giờ địa phương), đưa vệ tinh Oceansat-2 của Ấn Độ và 6 vệ tinh nano của nước ngoài lên quỹ đạo.
Vệ tinh Oceansat-2 nặng 960kg, được trang bị 3 thiết bị nghiên cứu khoa học, trong đó có một thiết bị theo dõi màu sắc các đại dương nhằm nghiên cứu vai trò quan trọng của các đại dương trong việc hình thành khí hậu trên Trái Đất, tác động qua lại giữa các đại dương và bầu khí quyển, đồng thời đánh giá độ ẩm trong khí quyển.
Ngoài ra, vệ tinh này còn giúp xác định vị trí các đàn cá tại các vùng biển xung quanh Ấn Độ, dự báo thời điểm bắt đầu mùa mưa và theo dõi tình trạng ô nhiễm nước biển ở các vùng duyên hải của nước này.
Hai thiết bị còn lại được sử dụng để đo nhiệt độ và dò sóng vô tuyến trong tầng khí quyển Trái Đất.
Trong khi đó, 6 vệ tinh nano của nước ngoài, gồm 4 vệ tinh Cubesat (được đánh số thứ tự từ 1 đến 4 - mỗi vệ tinh nặng 1 kg) và 2 vệ tinh Rubinsat mang số hiệu 9,1 và 9,2, với trọng lượng 8kg mỗi vệ tinh, do các trường đại học ở Đức, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo được đưa lên quỹ đạo Trái Đất nhằm thử nghiệm các công nghệ vũ trụ khác nhau.