Ngày 1/9, các nhà khoa học Đại học Maryland của Mỹ đã công bố kết quả một nghiên cứu cho thấy virus cúm A/H1N1, thủ phạm gây ra đại dịch cúm lan rộng trên toàn cầu hiện nay, không biến thể và cũng không kết hợp với một chủng virus cúm theo mùa khác để thành một loại virus nguy hiểm hơn.
Nghiên cứu này được công bố trong khi có một số nhà khoa học lo ngại rằng virus cúm A/H1N1 có thể kết hợp với các loại virus cúm theo mùa khác tạo thành một loại siêu virus nguy hiểm hơn trong mùa cúm dễ phát triển sắp tới ở Bắc bán cầu.
Các nhà khoa học đã cấy 3 loại virus cúm khác nhau vào một số con chồn sương và quan sát thấy rằng virus cúm A/H1N1 không kết hợp với hai loại virus cúm theo mùa kia, mà ngược lại nó còn tách ra xa hai loại virus kia. Tuy nhiên, trong cơ thể động vật được cấy, virus cúm A/H1N1 phát triển nhanh gấp hai lần so với hai virus kia.
Theo các nhà nghiên cứu, một số con chồn sương được cấy virus cúm A/H1N1 và 1 trong 2 loại virus cúm theo mùa đã có những triệu chứng ở cơ quan hô hấp và tiêu hóa cho thấy bị nhiễm cúm.
Chính vì vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng cần phải tiến hành thêm các nghiên cứu để xác định xem đồng thời bị nhiễm cả virus cúm A/H1N1 và virus cúm theo mùa có phải là nguyên nhân của một số ca tử vong được cho là do một loại virus mới hay không.
Tiến sĩ Anthony Fauci thuộc Viện nghiên cứu về các bệnh dị ứng và truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) cho rằng kết quả nghiên cứu này cho thấy virus cúm A/H1N1 lấn át hai loại virus cúm theo mùa kia và cũng dễ lây nhiễm hơn.
Theo ông Fauci, nghiên cứu của các nhà khoa học trường Đại học Maryland, dù chỉ là kết quả nghiên cứu ban đầu, nhưng cũng cho thấy sự cần thiết phải có một loại vácxin chống cúm theo mùa và cúm A/H1N1 trong mùa Thu và mùa Đông sắp tới.