Ngày 9/9, tại huyện Phổ Yên, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Thái Nguyên phối hợp với UBND huyện Phổ Yên tổ chức Hội thảo mô hình nhân rộng chương trình ứng dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) năm 2009 tại Thái Nguyên.
Chương trình SRI được thực hiện nhằm mục đích nâng cao năng lực cho nông dân trồng lúa, giúp họ giảm chi phí đầu tư đồng thời tăng năng suất lúa, tăng chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả kinh tế. SRI thực hiện trên cơ sở áp dụng tổng hợp các biện pháp: cấy thưa, cấy mạ non; bón phân cân đối đúng cách, đủ lượng, bón vùi sâu theo nhu cầu sinh lý của lúa kết hợp sục bùn tạo độ thông thoáng cho đất.
Được sự hỗ trợ của Trung tâm phát triển nông nghiệp bền vững (SRD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, chương trình SRI được thực hiện thí điểm tại huyện Phổ Yên từ năm 2008 cho kết quả tốt và từ 2009 huyện Phú Lương là huyện thứ hai của tỉnh thực hiện thí điểm.
Với huyện Phổ Yên, Năm 2009 Huyện phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật Thái Nguyên mở rộng mô hình trên diện rộng tại 13 xã, thị trấn trên toàn huyện với diện tích 477ha. Trong đó, huyện tập trung chỉ đạo điểm tại các xã: Đồng Tiến, Hồng Tiến, Tiên Phong, Tân Phú. Qua đánh giá kết quả cho thấy, các mô hình ứng dụng SRI chi phí sản xuất chung giảm được từ 8 đến 11,6% tương đương với khoảng 2 triệu đồng/ha trong đó riêng chi phí giống giảm tới 70%. Bên cạnh đó, khi thực hiện SRI, lượng phân đạm được bón sớm, phân kaly được bón tăng nên lúa ít bị khô vằn và tỷ lệ hạt chắc cao hơn, năng suất của cây lúa cũng tăng hơn từ 6,97% đến 7,14% tương đương với khoảng 4 tạ/ha so với các canh tác phổ biến ở địa phương. Hiệu quả kinh tế trên mỗi ha áp dụng SRI tăng thêm từ 3,7 đến 4,3 triệu đồng.
Từ những kết quả trên, chi cục BVTV đã đề nghị huyện Phổ Yên và huyện Phú Lương mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến trong năm tới và các năm tiếp theo. Chi cục BVTV cũng đề nghị SRI tiếp tục hỗ trợ kinh phí mở rộng chương trình ra các huyện khác trên toàn tỉnh.