Dữ liệu và hình ảnh mới nhất mà một tàu vũ trụ của Mỹ gửi về cho thấy những dấu hiệu về sự tồn tại của nước đóng băng trên mình "chị Hằng".
Tàu vũ trụ Lunar Reconnaissance Orbiter (LRO) của NASA đang bay vòng quanh mặt trăng. Nó đã bắt đầu đo các loại bức xạ phát ra từ hành tinh này.
“Với những dữ liệu mới của LRO chúng tôi có thể lập bản đồ chi tiết hơn về cực nam của mặt trăng. Bản đồ này sẽ giúp các chuyến thám hiểm mặt trăng trong tương lai trở nên dễ dàng hơn”, Richard Vondrak, một nhà khoa học phụ trách chương trình Lunar Reconnaissance Orbiter, phát biểu.
Theo AP, những kết quả đầu tiên từ thiết bị dò tìm neutron trên tàu cho thấy băng và khí hydro có thể tồn tại bên dưới những vùng tối vĩnh cửu và các khu vực lân cận. Thiết bị dò tìm neutron phát hiện nước hoặc hydro bằng cách đo bức xạ neutron phát ra từ bề mặt của mặt trăng. Nếu cường độ bức xạ ở một khu vực nào đó giảm so với những nơi khác thì rất có thể khu vực ấy có nước hoặc hydro.
“Một trong những phát hiện quan trọng nhất là hydro không chỉ nằm bên dưới những miệng núi lửa trên mặt trăng, mà còn ẩn náu ở nhiều nơi khác thuộc phần tối vĩnh cửu của nó”, Vondrak nhận xét.
LRO, trị giá 540 triệu USD, có kích thước tương đương một chiếc xe hơi Mini Cooper, đã được phóng lên quỹ đạo mặt trăng từ ngày 18/6. AP cho biết, nó sẽ bay vòng quanh vệ tinh của trái đất trong một năm để tìm kiếm những địa điểm hạ cánh cho các chuyến thám hiểm trong tương lai, đồng thời xây dựng bản đồ mới về bề mặt, nhiệt độ và bức xạ của mặt trăng. LRO cũng tìm kiếm băng trong những miệng núi lửa thuộc phần tối vĩnh cửu ở cực nam.
Nếu băng thực sự tồn tại trên mặt trăng, con người có thể khiến nó tan chảy thành nước. Các phi hành gia có thể dùng những thiết bị hiện đại để tách hydro từ nước. Hydro sẽ là nhiên liệu trong động cơ của các thiết bị thám hiểm mặt trăng trong tương lai.