Nhờ công trình nghiên cứu về cấu trúc và chức năng của ribosome, nơi sản xuất protein của tế bào, hai người đàn ông Mỹ và một phụ nữ Israel được nhận giải Nobel Hóa học 2009.
Theo AP, ba nhà khoa học gồm Ada Yonath - giám đốc Trung tâm Cấu trúc phân tử sinh học thuộc Viện Khoa học Weizmann (Israel), giáo sư hóa sinh và sinh lý học phân tử Thomas Steitz của Đại học Yale (Mỹ), giáo sư sinh học Venkatraman Ramakrishnan của Phòng thí nghiệm sinh học phân tử thuộc Hội đồng nghiên cứu y khoa Anh. Số tiền thưởng 1,4 triệu USD sẽ được chia đều cho ba người.
Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển tuyên bố phát hiện về ribosome của Ramakrishnan, Steitz và Yonath giúp giới khoa học hiểu rõ hơn về sự sống và phát triển thành công nhiều loại thuốc kháng sinh mới.
Ribosome là một bào quan xuất hiện trong tất cả các tế bào của sinh vật sống. Chúng thực hiện quá trình sinh tổng hợp protein của tế bào. Các ribosome được cấu tạo từ các rARN và ribosome protein. Chúng dịch mã mARN thành chuỗi polypeptide (đơn vị cấu thành protein). Ribosome được xem như là nhà máy tổng hợp ra protein dựa trên các thông tin di truyền của gene. Chúng có thể nằm tự do trong tế bào chất hay bám trên màng của mạng lưới nội chất.
Yonath, vị giáo sư sinh học cấu trúc 70 tuổi, là người phụ nữ thứ tư trong lịch sử giành giải Nobel Hóa học và là nhà khoa học nữ đầu tiên giành giải thưởng cao quý này kể từ năm 1964. Ramakrishnan, 57 tuổi, chào đời tại Ấn Độ nhưng mang quốc tịch Mỹ và đang làm việc ở Anh. Giáo sư Steitz, 69 tuổi, được sinh ra và lớn lên tại Mỹ.