Cải tạo Hồ Gươm bằng công nghệ hiện đại

08:27, 07/11/2009

Bắt đầu từ tháng 11/2009, Hà Nội sẽ tiến hành thử nghiệm nạo vét trên 1/10 diện tích Hồ Gươm, biểu tượng của Thủ đô.

 

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội - TS Lê Xuân Rao cho biết UBND TP Hà Nội đã cho phép áp dụng thử nghiệm công nghệ hút bùn của Đức trên khoảng 1.000 m2  diện tích Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm).

 

Yêu cầu đặt ra trong quá trình cải tạo là không được rút hết nước hồ; không gây ảnh hưởng đến hệ sinh học của hồ và đặc biệt là không gây nguy hiểm cho loài rùa quý; bảo tồn được màu xanh đặc trưng của nước hồ.

 

Công nghệ của Đức cho phép dùng máy hút bùn ngầm Sediturtle hút hỗn hợp bùn (20-40%), sau đó dùng công nghệ băng tải Siebbandpresse để ép bùn thành viên. Với phương pháp này, diện tích mặt thoáng của hồ sẽ được chia thành nhiều ô nhỏ và bùn được hút theo từng ô một. Các nhà khoa học không hút bùn theo ô lần lượt mà sẽ tính toán hút các ô khác nhau để tránh sự thay đổi đột ngột về môi trường sống của sinh vật.

 

Việc nạo vét không tiến hành theo phương pháp thủ công mà áp dụng kỹ thuật địa điện thủy văn hiện đại  để khảo sát chính xác tầng bùn trước khi cải tạo. Mặt khác, nhờ hệ thống thiết bị gọn nhẹ nên việc thi công không ảnh hưởng tới cảnh quan.

 

Theo TS Lê Xuân Rao, kết quả của đợt thử nghiệm này sẽ là cơ sở để cơ quan chuyên môn quyết định có nạo vét toàn bộ hồ Gươm theo phương pháp hút tách bùn hay không .

 

Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi sẽ phụ trách công việc này với sự tham gia của Sở KHCN, Sở Xây dựng và Công ty Thoát nước Hà Nội.

 

Để có cuộc thử nghiệm nêu trên, tháng 9/2006, Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Liên bang về giáo dục và nghiên cứu của Đức đã thỏa thuận hợp tác "Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hút bùn của CHLB Đức để phục hồi và ổn định bền vững một số hồ ở Hà Nội", trong đó hồ Gươm là địa điểm được chọn. Tham gia dự án cải tạo hồ có các nhà khoa học đầu ngành của ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), Viện Công nghệ môi trường, ĐH Mỏ địa chất, ĐH Kỹ thuật Dresden (Đức).