Tổ chức Nghiên cứu hạt nhân châu Âu thông báo, tối 20/11, các chuyên gia kỹ thuật và các nhà khoa học đã khởi động thành công chiếc máy gia tốc hạt nhân lớn nhất thế giới (LHC -Large Hadron Collider).
Thí nghiệm đầu tiên trên cỗ máy trị giá 10 tỷ USD này đã được tiến hành sau sự cố hư hỏng cách đây 14 tháng.
Ông James Gillies, phát ngôn viên của tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu nói rằng tiến trình khởi động máy gia tốc hạt nhân LHC đã diễn ra trơn tru vào lúc 22h tối (theo giờ Thụy Sỹ) ngày 20/11.
Người phát ngôn của CERN James Gillies cho biết, việc khởi động cỗ máy này đã diễn ra nhanh hơn dự kiến khi chùm tia proton đã được bắn đi theo chiều kim đồng hồ vào lúc 22 giờ (giờ địa phương) tối 20/11.
Các chuyên gia của CERN sau 2 giờ chạy khởi động, các nhà khoa học đã bắn thêm một chùm tia proton khác ngược chiều kim đồng hồ với mục tiêu ban đầu là tái hiện lại phần nào vụ nổ Big Bang qua các cú va chạm giữa các hạt proton.
Ông Gillies cho rằng đây là một dấu mốc quan trọng trên con đường hướng tới những khám phá khoa học với cỗ máy khổng lồ này.
Để tránh lặp lại sự cố về hệ thống điện cách đây 14 tháng trước kia, các chuyên gia của CERN đã khởi động từng bước. Đại diện của CERN cũng nói rằng thí nghiệm quan trọng tiếp theo sẽ là các vụ va chạm với năng lượng thấp, dự kiến sẽ được tiến hành trong một tuần nữa.
Large Hadron Collider là chiếc máy gia tốc hạt hiện đại lớn nhất và cung cấp gia tốc mạnh nhất trên thế giới, được thiết kế để tạo va chạm trực diện giữa các tia proton với động năng cực lớn.
Mục đích chính của nó là phá vỡ những giới hạn và mặc định của mô hình chuẩn - những lý thuyết cơ bản hiện thời của vật lý hạt. Trên lý thuyết, chiếc máy này được cho là sẽ chứng minh được sự tồn tại của hạt Higgs, những kết quả nghiên cứu từ chiếc máy này có thể chứng minh những dự đoán từ trước cũng như những liên kết còn thiếu trong mô hình chuẩn, và giải thích được những hạt sơ cấp khác có được những đặc tính như khối lượng như thế nào.
Máy gia tốc hạt lớn được chế tạo bởi CERN, nằm bên dưới mặt đất tại biên giới Pháp-Thụy Sĩ giữa núi Jura và dãy Alps gần Genève, Thụy Sĩ. Dự án được cung cấp kinh phí và chế tạo với sự tham gia cộng tác của trên 8.000 nhà vật lý của 15 quốc gia cũng như hàng trăm trường đại học và phòng thí nghiệm. Những tia hạt proton đầu tiên được dẫn vào trong máy ngày 10 tháng 9 năm 2008, và phải chờ khoảng 6 đến 8 tuần sau đó mới có được các đợt va chạm với năng lượng cực lớn đầu tiên.
Toàn bộ hệ thống máy móc cấu thành LHC có chu vi rộng 27 km trải dài từ biên giới Pháp và Thuỵ Sỹ.
Mặc dù trên các phương tiện truyền thông hay thậm chí tòa án có nhiều thắc mắc về tính an toàn của máy LHC, các nhà khoa học đều đồng quan điểm rằng các thí nghiệm va chạm hạt của chiếc máy này sẽ không gây ra nguy hiểm nào.