Dùng điện thoại quá sớm, trẻ có nguy cơ bị u não

09:11, 12/11/2009

Sự liên quan giữa điện thoại và ung thư đã được nhiều tổ chức công bố. Một nghiên cứu cho rằng, trẻ sử dụng điện thoại di động quá sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc một loại u não lên gấp 5 lần.

 

Điện thoại và u não ở trẻ em

 

Một nghiên cứu tại Thụy Điển cho rằng, trẻ sử dụng điện thoại di động quá sớm có thể làm tăng nguy cơ mắc một loại u não lên gấp 5 lần.

 

GS Denis Henshaw - Trưởng nhóm nghiên cứu sóng điện từ, ĐH Bristol (Anh) cho hay: Khi interphone xuất hiện, trẻ nhỏ tiếp xúc với sóng điện từ nhiều hơn. Thực tế cho thấy sóng này ngày càng nhiều lên và có thể bắt đầu ảnh hưởng tới cả thai nhi trong bụng mẹ.

 

Báo The Independent dẫn nghiên cứu của TS Khurana cho biết, thiết bị liên lạc không thể thiếu trong đời sống ngày nay có thể gây ra cái chết cho nhiều người hơn cả thuốc lá.

 

Sau khi nghiên cứu lại hơn 100 báo cáo về ảnh hưởng của ĐTDĐ, ông Khurana kết luận rằng, có một loạt bằng chứng quan trọng cho thấy mối liên hệ giữa sử dụng ĐTDĐ với một số bệnh ung thư não. Bệnh ung thư thường mất ít nhất 10 năm để phát triển, do đó những người sử dụng ĐTDĐ từ 10 năm trở lên có nguy cơ bị ung thư não cao gấp đôi so với người dùng ít hơn.

 

Theo một thông tin mới đây của Bệnh viện K (Việt Nam) thì Bộ Y tế Nga đã khuyến nghị chính phủ cấm trẻ dưới 18 tuổi dùng điện thoại di động. Pháp đang đưa dự thảo luật để cấm quảng cáo điện thoại di động cho trẻ dưới 14 tuổi, cũng như việc sử dụng chúng tại những nơi chăm sóc người ốm, trường tiểu học.

 

Salzburg (Áo), Wi-Fi đã bị cấm ở trường học. Bộ Y tế Anh thực hiện tuyên truyền từ năm 2000 về việc hạn chế cho trẻ em dùng điện thoại.

 

Nói dối, web đen...

 

Nhiều phụ huynh sắm “dế” cho con vì cho rằng sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý con về thời gian và địa điểm. Tuy vậy, thạc sĩ tâm lý Đinh Đoàn chia sẻ: "Nếu trẻ muốn nói dối, bố mẹ không thể biết được. Kể cả khi đi chơi, nếu không muốn bố mẹ gọi, chúng có thể tắt máy và nói hết pin".

 

Khi công nghệ phát triển, điện thoại không chỉ còn là phương tiện để nhắn tin, trò chuyện. Với số tiền vừa phải, ngày nay, nhiều học sinh có thể xem phim, truy cập internet qua thiết bị này. Và do vậy, không loại trừ trẻ tải hình sex, xem phim đen... Thậm chí, những việc này được thực hiện một cách âm thầm trong giờ học.

 

Thêm một lo ngại khác qua công bố của một nhóm các nhà khoa học Australia. Họ đã tiến hành kiểm tra năng lực nhận thức với hơn 300 trẻ em trong độ tuổi từ 11 - 14 tuổi có sử dụng điện thoại di động. Kết quả là 1/4 trẻ em thực hiện hơn 15 cuộc gọi thoại mỗi tuần và 1/4 trong số đó thực hiện hơn 20 tin nhắn văn bản một tuần.

 

Tiếp đó, bằng cách quan sát phản ứng của trẻ thông qua máy tính, họ phát hiện ra mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại và năng lực phản ứng của các em. Kết quả cho thấy, những trẻ thường xuyên sử dụng điện thoại để nhắn tin có phản ứng nhanh hơn nhưng lại thiếu chính xác hơn.

 

GS Abramson cho rằng, chính các thao tác thực hiện những tin nhắn có khả năng đào tạo cho trẻ em những hành động nhanh chóng hơn, nhưng đó là những hành động thiếu chính xác.

 

Bà Phạm Thị Hạnh - Hiệu trưởng trường THCS Nghĩa Tân (Hà Nội) cho biết: "Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, chúng tôi cùng phụ huynh cùng nhất quán quan điểm là hạn chế tối đa việc học sinh sử dụng điện thoại di động ở trường.

 

Nhưng nhiều em nhà ở xa, cần phải liên lạc với bố mẹ, nên không thể cấm. Vả lại cũng không có quy định nào cấm học sinh sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, trong giờ học, tuyệt đối không được sử dụng điện thoại".

Trả lời BBC, ông William Stewart - Chủ tịch Uỷ ban Phòng chống Phóng xạ quốc gia Anh, cho rằng trẻ em chỉ nên sử dụng ĐTDĐ trong trường hợp thật cần thiết và sử dụng trong thời gian càng ngắn càng tốt. Nếu buộc phải sử dụng, trẻ em nên dùng loại máy có chỉ số hấp thu năng lượng đối với các mô của cơ thể (SARS) thấp.