Giảm đau bằng xung điện

11:20, 09/11/2009

Phương thức giảm đau bằng sử dụng dòng xung điện TENS có thể làm dịu đi các cơn đau như đau cột sống cổ, đau cột sống ngực, đau cột sống thắt lưng, viêm khớp...

 

Sinh viên Nguyễn Đăng Khoa với sự hướng dẫn của kỹ sư Võ Văn Phước (Trường ĐH Bách khoa T.P HCM) vừa chế tạo thành công thiết bị giảm đau sử dụng kích thích điện thần kinh qua da, gọi tắt là dòng TENS, có thể thay thế thiết bị ngoại nhập với giá thành thấp.

 

Dùng xung điện giảm đau

 

Mục đích chính của thiết bị giảm đau sử dụng dòng TENS là đưa dòng xung điện kích thích vị trí tổn thương để giảm đau dựa trên lý thuyết khi các cơ quan thụ cảm đau được kích hoạt sẽ tạo nên tín hiệu thần kinh trên sợi thần kinh cảm giác C hoặc A-delta.

 

Tín hiệu thần kinh này lan truyền theo các sợi A-delta và sợi C đi lên hệ thần kinh trung ương như tủy gai, não. Tác dụng xung điện với dạng phù hợp, có thể gây điều kiện ức chế quá trình dẫn truyền hệ quả là giảm đau. Xung gồm có hai phần: Phần dương là phần năng lượng mà xung điện dùng để kích thích sợi thần kinh. Phần âm dùng để đảo cực giữa hai điện cực, tránh gây cảm giác khó chịu (ngứa, rát) ở vùng da bên dưới các điện cực.

 

Sau khi đã tìm hiểu về nguyên lý cảm nhận đau cũng như các cơ chế điều tiết cảm giác đau, các tác giả rút ra được các đặc điểm của xung điện sử dụng để kích thích các sợi thần kinh A-beta, A-alpha, A-delta. Ứng với 3 đối tượng tác động trên, thiết bị giảm đau sử dụng dòng TENS có ba chế độ nhằm thực hiện hai cơ chế điều tiết cảm giác đau.

 

Điện cực được sử dụng là loại điện cực dán, khi chất keo trên điện cực hết hoặc điện cực không dính chặt vào da, phải thay điện cực khác để bảo đảm sự tiếp xúc giữa điện cực và da được tốt.

 

Khi sử dụng, để tránh gây cảm giác giật điện ban đầu cho người sử dụng, thông số độ rộng xung được thiết lập trước rồi mới tăng từ từ giá trị biên độ xung lên đến điểm cần sử dụng để tạo cho người sử dụng có thời gian làm quen với kích thích xung điện.

 

Giá thành thấp

 

Thiết bị giảm đau sử dụng dòng TENS có khả năng làm dịu các cơn đau như: đau cột sống cổ, đau cột sống ngực, đau cột sống thắt lưng, viêm khớp, đau cơ do vận động... Các chống chỉ định đối với việc sử dụng thiết bị này là bệnh nhân mang máy tạo nhịp tim, có bệnh về cơ tim hoặc loạn nhịp tim, bệnh nhân động kinh. Trong quá trình sử dụng, không kích thích ngay trên vùng có kim loại trong cơ thể, qua đầu, vùng tim, vùng thanh quản - họng, vùng da có viêm nhiễm.

 

Để thuận tiện cho việc sử dụng, thiết bị còn có thêm chức năng định giờ tự động. Bộ hiển thị bằng LED 7 đoạn thể hiện các giá trị như: độ rộng xung, biên độ xung, tần số xung, giờ.

 

Đặc điểm của thiết bị này là không gây ra các phản ứng phụ cho cơ thể và dễ sử dụng. Giá thành chế tạo thiết bị thấp hơn nhiều so với các thiết bị tương tự ngoại nhập.

 

Tiến sĩ Huỳnh Quang Linh, Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật y sinh - Trường ĐH Bách khoa TPHCM, đánh giá: "Thiết bị dự kiến sẽ được triển khai sử dụng thử nghiệm để đánh giá hiệu quả. Trên cơ sở đó, có thể nâng cao tính năng và chuyển giao công nghệ chế tạo thành thiết bị thương mại".