Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tức Tranh (Phú Lương), bà Dương Thị Liên cho biết: Dự án phát triển bếp đun cải tiến ĐK-Dự án đặc biệt dành cho phụ nữ Thái Nguyên do Trung tâm Dân số, Môi trường và phát triển phối hợp với phụ nữ Thái Nguyên được triển khai tại xã Tức Tranh từ tháng 4/2009.
Sau hơn 7 tháng, trong xã đã có trên 150 hộ tham gia xây dựng bếp đun và lò xao chè cải tiến ĐK. Nhiều hộ khác trong xã cũng đã có kế hoạch xây dựng bếp đun và lò xao chè cải tiến ĐK vào cuối năm nay.
ĐK là chữ viết tắt từ các cụm từ ""Đỡ khói", "Đỡ khổ" và "Đoàn kết". Trong thời gian tháng Tư và tháng Tám, Dự án thực hiện hỗ trợ cho xã Tức Tranh 98 bếp đun, lò xao chè cải tiến ĐK, trong đó có 40 bếp xách tay, 38 bếp cố định và 20 lò xao chè, với mức hỗ trợ 60 nghìn đồng/bếp xách tay; 150 nghìn đồng/bếp cố định và 300 nghìn đồng/lò xao chè. Sau khi những bếp này được đưa vào sử dụng, bà con đến thăm quan, thấy có nhiều lợi ích như giảm được từ 40 đến 70% khói bụi; giảm từ 40 đến 50% lượng chất đốt; thời gian đun nấu cũng nhanh hơn, nên đã có hơn 50 hộ trong xã đã tự thuê thợ về xây dựng bếp đun và lò xao chè cải tiến ĐK. Bà Đỗ Thị Thanh, xóm Xâm Găng, một trong những hộ tham gia Dự án xây dựng bếp đun cải tiến ĐK đầu tiên của xã cho biết: Sau khi nghe phổ biến về lợi ích của loại bếp này, gia đình tôi xây luôn 1 bếp thổi nấu và 1 lò xao chè cải tiến ĐK. So với bếp đun truyền thống (kiềng), nhu cầu củi đốt nấu cơm, thức ăn cho 3 người trong nhà và một nồi cám chăn 2 con lợn, bếp truyền thống dùng hết khoảng 40 kg củi, nay bếp cải tiến ĐK chỉ dùng hết gần 20 kg củi.
Ông Ninh Quang Long, người được Dự án cấp Giấy chứng nhận về kỹ thuật xây dựng bếp đun cải tiến ĐK cho biết: Theo lý thuyết, bếp đun cải tiến ĐK có loại 3-2 K (2 cửa vào củi và 3 chỗ đặt nồi); 2-2 K (2 cửa vào củi và 2 chỗ đặt nồi) và bếp đun 1-1 K (1 cửa vào củi và 1 chỗ đặt nồi). Nhưng thực tế, giữa thợ xây và chủ hộ tự thiết kế, xây dựng bếp 3-3 K, thậm chí là 4-3 K, tuỳ theo nhu cầu thổi nấu của từng hộ; đồng thời khi xây dựng, các bếp thường đặt khít với nồi nấu, nên nhiệt trong bếp được tập trung… Khi tới thăm gia đình ông Hoàng Sĩ Minh, hơn 70 tuổi, xóm Xâm Găng. Ông Minh tự hào cho biết: Tôi có 9 người con, tất cả đều đã ra ở riêng, đến nay đã có 3 "đứa" xây được bếp đun và lò xao chè cải tiến ĐK. Con rể tôi, anh Đào Văn Đông cũng là thợ xây bếp được Dự án cấp Giấy chứng nhận. Hôm nay, anh Đông cũng đang đi xây lò xao chè cải tiến ĐK cho bà con.
Qua câu chuyện chúng tôi biết: Trong xã Tức Tranh, ngoài 2 thợ xây là ông Long, ông Đông còn có ông Lạc Văn Hậu cũng được Dự án cấp Giấy chứng nhận xây dựng bếp đun, lò sao chè cải tiến ĐK. Ngoài việc nhận hợp đồng xây dựng với các hộ có nhu cầu, họ còn tích cực hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật xây dựng, nhất là các chi tiết khó như bầu lò, cửa lò, đường dẫn khí, ghi đặt chất đốt và đường thoát khói… Bà Lê Thị Thuỷ, xóm Thác Dài cho biết thêm: Gia đình tôi xây 1 bếp thổi nấu, 1 lò sao chè cải tiến ĐK. Nhờ có bếp này, gia đình tôi cũng đỡ vất vả hơn vì lo kiếm củi.
Hỏi chuyện bếp đun cải tiến, bà Phạm Thị Quyên, xóm Tân Thái đã vui vẻ nói: Bếp đun cải tiến ĐK tiết kiệm được nhiều củi đốt, nhưng với người dân xã Tức Tranh, nói chuyện tiết kiệm chất đốt phải kể tới việc sao sấy chè. Như gia đình tôi trung bình mỗi lứa làm được hơn 2 tạ chè khô, tương đương với 1 tấn búp tươi. Trước đây, với lò sao sấy cũ, để làm khô được số chè này, gia đình tôi cần khoảng 300 cân củi, từ tháng Tư năm nay, nhờ chế biến bằng lò cải tiến ĐK, số củi giảm còn khoảng 150 cân. Nói rồi, bà đưa chúng tôi ra xem chiếc lò sao chè cải tiến "hiệu ĐK" mới xây thêm trong tháng 10 vừa qua. Song lò cũng đã qua mấy lần lửa, nhưng màu vữa còn chưa… lên khói. Tôi nhẩm tính: Từ 2 chiếc lò đốt cải tiến ĐK này, với trung bình 8 lứa chè thu hái/năm, sản lượng 2,4 tấn khô, gia đình bà Quyên tiết kiệm được khoảng trên 1 tấn củi đốt. Còn như xóm Ngoài Tranh có 85 hộ, 100% số hộ của xóm sinh sống nhờ cây chè, hộ nhiều chè nhất như gia đình bà Cao Thị Lâm, mỗi lứa thu hoạch được hơn 3 tạ chè khô, còn các hộ khác thu đạt trung bình khoảng 150 kg chè khô/lứa. Cộng dồn cả xóm Ngoài Tranh lại, mỗi năm bà con làm ra khoảng gần 13 tấn chè khô. Nếu các hộ trong xóm đều có lò sao chè cải tiến như gia đình bà Lâm, ước nhẩm cũng tiết kiệm được khoảng 10 tấn củi đốt/năm.