Phát triển công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo

06:58, 25/11/2009

Đây là lĩnh vực công nghệ cao góp phần làm giảm nhẹ hiện tượng biến đổi khí hậu, do đó phải được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất.

 

Chiều 24/11, Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận về dự thảo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Các đại biểu đều bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN-MT) về sự cần thiết phải ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là một nhu cầu cấp bách, góp phần khắc phục những tồn tại trong việc sử dụng năng lượng ở nước ta thời gian qua, đồng thời thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Bàn về những quy định cụ thể trong Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (đoàn Tây Ninh) cho rằng tên của Luật nên gọi là Luật Tiết kiệm năng lượng. Theo ông Xuân, nói đến sử dụng tiết kiệm thì đã bao hàm sự có hiệu quả trong đó rồi. Do vậy, từ “hiệu quả” trong tên gọi của dự thảo Luật là thừa. Hơn nữa, gọi là Luật Tiết kiệm năng lượng thì chúng ta có thể mở rộng phạm vi từ khâu khai thác, trung chuyển đến sử dụng, bởi trên thực tế hiện nay, khâu khai thác, trung chuyển của chúng ta vẫn còn xảy ra tình trạng lãng phí.

 

Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, một số đại biểu cho rằng, Dự án Luật mới chỉ tập trung quy định trách nhiệm của tổ chức cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng. Các đại biểu kiến nghị, Luật cần phải điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong toàn bộ quá trình, bắt đầu từ khai thác, sản xuất ra các nguồn năng lượng cho đến khâu sử dụng năng lượng cuối cùng. Đặc biệt, cần bổ sung vào Luật quy định sử dụng năng lượng và hiệu qủa trong lĩnh vực công, nhằm khắc phục thực trạng sử dụng năng lượng lãng phí và kém hiệu quả hiện nay tại các cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách Nhà nước. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân (đoàn Cần Thơ) cho rằng: Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công là vấn đề quan trọng, đặc biệt là sử dụng điện, nhiên liệu cho các phương tiện phục vụ cho hoạt động công. Đại biểu đề nghị thiết kế thêm một mục nữa trong Chương II của dự thảo quy định về vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong lĩnh vực công.

 

Cần quy định chế tài cụ thể và mạnh mẽ hơn

 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân cho rằng, dự thảo Luật còn rất ít chế tài cụ thể. Nhiều điều quy định của dự thảo còn mang tính chung chung như là khẩu hiệu, chưa thể hiện tính ràng buộc cao bằng luật pháp, chưa đáp ứng được đòi hỏi cấp bách thực tế hiện nay về thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

 

Ông Xuân đề nghị phải định lượng được với mỗi sản phẩm cụ thể thì cần sử dụng bao nhiêu năng lượng. Nếu sử dụng quá thì có thể bị xử phạt hoặc tính giá năng lượng cao hơn, khoản tiền chênh lệch này được đưa vào một quỹ để đầu tư cho những dự án tiết kiệm năng lượng.

 

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Trung Nhân đề nghị cần phải có biện pháp, chế tài mạnh để Luật này đủ sức răn đe, bắt buộc. “Chúng ta kiên quyết thực hiện tốt việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để giảm bớt gánh nặng về an ninh năng lượng. Nếu chúng ta không đưa ra những biện pháp chế tài mạnh thì khi Luật ban hành rồi sẽ không có hiệu lực trong thực tế, gây khó khăn trong việc áp dụng”, ông Nhân nói.

 

Đại biểu Trương Xuân Quý (đoàn Tuyên Quang) cho rằng, Nghị định 102 của Chính phủ đã quy định rất rõ về công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết thực tiễn, đưa nội dung này vào trong Luật.

 

Ưu tiên đầu tư phát triển công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo

 

Thảo luận về vấn đề này, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết phải quy định rõ ràng và cụ thể trong Luật về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo như năng lượng gió, nước, mặt trời… Cần khuyến khích việc phát triển và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo dồi dào mà chúng ta đang có, từng bước thay thế những nguồn năng lượng hữu hạn có thể cạn kiệt như than đá, dầu mỏ…

 

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân lấy ví dụ là điện mặt trời và điện gió, hiện nay công nghệ để sử dụng các dạng năng lượng này ngày một phát triển hơn và Việt Nam cũng không thiếu năng lượng mặt trời. Do vậy, cần có chính sách hỗ trợ phù hợp cho việc phát triển các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng này.

 

Trong khi đó, đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) kiến nghị cần bổ sung vào các Điều 33, 34 của dự thảo Luật các quy định cụ thể hơn, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển nguồn năng lượng tái tạo. Cần coi đây là lĩnh vực công nghệ cao góp phần làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, do đó phải được áp dụng các cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất như đối với công nghệ cao.

 

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đề nghị, ngoài lĩnh vực công nghiệp xây dựng và giao thông được quy định như trong dự thảo Luật, nên bổ sung nội dung sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ và sinh hoạt; chú trọng những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các hộ gia đình và du lịch, trong đó hướng trọng tâm vào lựa chọn, lắp đặt thiết bị tiết kiệm điện hợp lý, khoa học; điều chỉnh thói quen sử dụng đồ điện, công suất tiêu thụ điện của một số thiết bị điện dân dụng; thiết kế lắp đặt hệ thống chiếu sáng tối ưu, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần lưu tâm đến sử dụng máy phát điện, hầm biogas, bình nước nóng năng lượng mặt trời, hệ thống pin mặt trời một cách hiệu quả. Đi kèm với đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý.

 

Ngoài những điều trên, một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu thảo luận, góp ý kiến là việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đây là vấn đề cần được ưu tiên nhất trong chính sách năng lượng quốc gia. Do đó dự thảo Luật cần có các quy định cụ thể để đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng kết hợp với việc khai thác, nhập khẩu, tồn trữ, dùng năng lượng, trên quan điểm tối ưu hóa việc sử dụng và tăng độ sẵn sàng dự trữ năng lượng. Thậm chí cần cụ thể hóa quy định đảm bảo an ninh cung cấp điện, an ninh cung cấp sản phẩm dầu mỏ, an ninh cung cấp khí đốt, an ninh cung cấp than.