Xác định khoa học & công nghệ (KHCN) là động lực đẩy CNH-HĐH, ngay sau khi có Quyết định 67/2007/QĐTTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KHCN chủ yếu giai đoạn 2005-2010, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở KH-CN xây dựng Đề án “Phát triển khoa học & công nghệ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010”.
Theo Đề án có 6 mục tiêu cần đạt được. Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện thì khả quan nhìn nhận có 5 mục tiêu sẽ hoàn thành khi kết thúc Đề án vào năm 2010, chỉ còn một mục tiêu số 3 là về đổi mới công nghệ đạt từ 15-18% là chưa đủ tiềm lực để thực hiện.
Khi các đề tài được triển khai tại cơ sở đều nhận được sự vào cuộc của lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền cơ quan, đơn vị và nhân dân. Về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động triển khai ứng dụng ngày càng tăng cường. Trung bình mỗi năm UBND tỉnh dành 10% kinh phí sự nghiệp khoa học khoảng 800 triệu đồng để tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động KHCN. Còn đối với 6 mục tiêu của Đề án thì 5 mục tiêu có tính khả thi cao. Mục tiêu thứ nhất là đảm bảo cung cấp các luận cứ khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển của tỉnh. 2 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt 16 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý Nhà nước để làm cơ sở cho việc thực hiện các chương trình, đề án lớn của tỉnh như: Quy hoạch đô thị tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020; định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh giai đoạn 2010-2015.
Một số đề tài do khối cơ quan Đảng thực hiện là căn cứ quan trọng để cấp uỷ ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng Đảng như: Đề án số 05-ĐA/TU về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng xã, phường, thị trấn” do Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì thực hiện. Tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ mới đây, Tỉnh uỷ chỉ đạo Sở KHCN nhanh chóng triển khai đề tài “Xây dựng luận cứ khoa học phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên 2010-2015” dự kiến hoàn thành vào đầu năm tới để làm cơ sở khoa học xây dựng Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.
Trong 6 mục tiêu của Đề án, mục tiêu thứ 2 được đánh giá là thiết thực nhất đối với người nông dân. Mục tiêu số 2 là tập trung ưu tiên việc chuyển giao và ứng dụng các thành tựu KHCN tiên tiến vào sản suất và đời sống với trên 70% đề tài, dự án sau khi nghiệm thu được ứng dụng và mở rộng vào sản xuất và đời sống. Hơn 2 năm qua, UBND tỉnh đã phê duyệt 95 đề tài, dự án, trong đó 80% dự án thuộc loại hình ứng dụng tiến bộ KHCN. Cụ thể có tới 61 đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai (chưa kể số dự án do ngành Nông nghiệp thực hiện từ các nguồn vốn khác).
Ở lĩnh vực trồng trọt, các dự án tập trung vào xây dựng mô hình để phát triển cây chè, cây lương thực, rau an toàn và trồng hoa chất lượng cao như: Xây dựng mô hình vùng sản xuất lúa giống nguyên chủng ở huyện Đại Từ, Phổ Yên. Mô hình sản xuất giống ngô chất lượng cao tại Phổ Yên… với mục tiêu dần dần tỉnh chủ động hơn về giống lúa, ngô trong sản xuất. Về lĩnh vực thuỷ sản đã xây dựng mô hình thâm canh thủy sản tổng hợp tại Phú Bình đạt từ 90-100 triệu đồng/ha. Hiện mô hình này đang được mở rộng tại huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công.
Đối với chương trình phục vụ nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh các sản phẩm công nghiệp đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho vùng chè Tân Cương, nhãn hiệu tập thể cho chè Thái Nguyên và gạo Bao Thai Định Hoá, đỗ tương Võ Nhai, chè La Bằng, Trại Cài…đảm bảo nâng cao giá trị sản phẩm hàng hoá trên thị trường.
Mục tiêu thứ 3 được coi là khó hoàn thành nhất đó là thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới công nghệ theo hướng đi thẳng vào công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tốc độ đổi mới công nghệ trung bình từ 15-18%/năm. Mục tiêu này sẽ không đạt được kết quả như đề án đã đề ra. Hoạt động đổi mới công nghệ còn chậm (theo báo cáo tỷ lệ này của cả nước là hơn 1%). Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp của tỉnh không có tiềm lực. Vì thế, chưa có điều kiện để đổi mới công nghệ. Xu hướng chung các doanh nghiệp đã bắt đầu nhập các dây chuyền có công nghệ tiên tiến nhưng với chỉ tiêu “đảm bảo tốc độ đổi mới công nghệ trung bình 15-18%/năm” thì Thái Nguyên chưa đủ nguồn lực thực hiện, trừ các doanh nghiệp TW đóng trên địa bàn.
3 mục tiêu còn lại là xây dựng và phát triển có trọng điểm các ngành công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học; phát triển nguồn lực KHCN đủ mạnh, đảm bảo khả năng tiếp thu, ứng dụng và từng bước hình thành và phát triển thị trường KHCN đều khả thi trong việc thực hiện. Tổng kinh phí chi cho hoạt động triển khai các đề tài, dự án trong hơn 2 năm qua là trên 14 tỷ đồng.
Những kết quả sau hơn 2 năm thực hiện Đề án “Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2007-2010” là đáng ghi nhận. Chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc thực hiện Đề án, việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra là cơ sở để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, là cơ sở để đề ra nhiệm vụ phát triển KHCN giai đoạn 2010-2015.